VDSC: Chứng khoán Việt Nam đã hết rẻ?

(NDH) Sự dịch chuyển của dòng tiền cho thấy sức hấp dẫn của các blue-chips, vốn đã tăng mạnh trong suốt tháng 8, đã giảm đi khá nhiều và NĐT đang tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận tốt hơn những CP nhỏ. Điều này, theo kinh nghiệm, thường đánh dấu sự kết thúc của một sóng tăng.

Trong sóng tăng mạnh mẽ vừa qua của TTCK Việt Nam, có lẽ không ít nhà đầu tư đã lật lại câu hỏi liệu cổ phiếu Việt Nam có còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research), TTCK Việt Nam có mức P/E tăng mạnh thứ hai trong tháng 8 sau Ukraina, 6,7% đối với sàn HSX và 9,5% đối với HNX. Với mức tăng này VNIndex đã tiếp tục tụt một bậc về độ hấp dẫn của P/E trong bảng theo dõi các thị trường cận biên và mới nổi của RongViet Research; HNIndex giảm đến hai bậc.

RongViet Researchcho rằng hai động lực chính để TTCK Việt Nam tăng mạnh gần đây là sự kỳ vọng vào các cải cách của Chính Phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng và các Bộ trưởng trong kỳ họp định kỳ Chính Phủ tháng trước.

Bên cạnh đó, dòng vốn giá rẻ dồi dào đang chảy sang từ kênh tiền gửi sau khi lãi suất huy động đồng loạt giảm cuối tháng 8. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khắt khe, đây đều là những yếu tố mang tính kỳ vọng và ngắn hạn, cũng như chưa thực sự phản ánh sự chuyển biến của nền kinh tế.

Như vậy, trong khi NĐT trong nước đang “say” với các thông tin lạc quan có phần bị giới truyền thông tô sáng quá nhiều, NĐTNN có vẻ đã thận trọng hơn trong việc đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, sau khi mua ròng 262 tỷ đồng trong tháng 7, khối ngoại đã chuyển sang bán ròng 312 tỷ đồng trong tháng 8, giai đoạn mà thị trường có sự nhảy vọt. Từ đầu tháng 9 đến nay, khối ngoại chỉ mua ròng thêm 63,6 tỷ đồng.

Trước mắt, sự thu hẹp của dòng vốn ngoại sẽ được bù đắp bởi dòng tiền rẻ và “dễ tính” từ các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, về dài hạn, điều quan trọng là cam kết sẽ được thực hiện ra sao. Nếu tốc độ cải thiện của nền kinh tế không nhanh chóng bắt kịp đà tăng của TTCK, thị trường sẽ không có chỗ dựa vững chắc để tiến lên như một người leo dốc không còn bậc thang để bước tiếp.

Dòng tiền tiếp tục chảy vào cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp

Từ cuối tháng 8, RongViet Research đã bắt đầu nhận thấy có sự dịch chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu blue-chips (trừ một số cổ phiếu lớn ngành dầu khí như GAS và PVS) sang nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp hơn như TCM, BCC, HT1, HVG và KBC … Trong đó, TCM và KBC là hai cổ phiếu thu hút dòng tiền khá mạnh.

KBC đã tăng liên tục sau khi tích lũy khá lâu ở mức 11.000 đồng/cp và đóng cửa hôm nay ở mức 15.200 đồng/cp. Theo thông tin mới công bố, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư để CTCP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP – Công ty con của KBC) thực hiện dự án “Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn II” với diện tích 214 ha. Với sự bổ sung này tổng diện tích hai giai đoạn của KCN Tràng Duệ đã lên đến 364,02 ha.

Đồng thời, giai đoạn 2 của KCN này vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho sáp nhập vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (giai đoạn II đã được sáp nhập vào KTT từ tháng 08/2013). Các doanh nghiệp trong KTT Đình Vũ – Cát Hải nói chung và trong KCN Tràng Duệ nói riêng sẽ được hưởng các ưu đãi như: miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, thuế suất 10% trong 15 năm, miễn tiền thuê đất và mặt nước 15 năm từ khi hoạt động...

Hiện KBC đang giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời chuẩn bị bàn giao quỹ đất cho dự án dự án khu phức hợp nhà máy rộng 402.600m2của LG Electronics (Hàn Quốc). Đây là dự án gồm hai giai đoạn; giai đoạn I từ 2013 – 2017 với vốn đầu tư 510 triệu USD, giai đoạn II từ 2017 – 2023 với vốn đầu tư 990 triệu USD.

Riêng TCM cũng đã tăng mạnh từ sau khi bước phá từ mức 34.200 đồng/cp tuần trước; hôm nay TCM tiếp tục tăng 900 đồng và chạm mốc 38.500 đồng/cp. RongViet Researchgiá cổ phiếu TCM tăng có thể là do sự kỳ vọng vào KQKD tháng 8.

Trong cuộc họp nhà đầu tư hồi giữa tháng 8, TCM cho biết đã mua vào khoảng 1.000 tấn bông với giá 62 cent/pound giao trong tháng 12/2014, đồng thời chốt được giá cho hợp đồng bán sợi đến tháng 8 ở mức khá cao, khoảng 3,23-3,25USD/kg.

Theo đó, trong quý III và IV, Công ty kỳ vọng mảng kinh doanh sợi có thể đạt biên lợi nhuận gộp khoảng 8-9%; riêng trong tháng 8 biên này có thể đạt trên 10%. Vì vậy nhiều khả năng KQKD tháng 8 của TCM sẽ có nhiều đột biến trong tháng 8. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu riêng của chuyên viên ngành, kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay của TCM còn có đóng góp quan trọng của việc kinh doanh các mặt hàng vải chất lượng cao, một hướng đi đem lại biên lợi nhuận rất tốt mà TCM bắt đầu khai thác từ năm nay.

Với những chuyển biến mới về hoạt động kinh doanh của TCM và KQKD tháng 8 (dự kiến sẽ được cập nhật trong vài ngày tới), chuyên viên ngành cho biết sẽ cân nhắc xem xét lại dự phóng và định giá của cổ phiếu này.

Trong phiên hôm qua, dù nhiều cổ phiếu blue-chips đều tăng tích cực như VIC, VNM, GMD, FPT, DRC, PET… RongViet Research nhận định dòng tiền vẫn chưa trở lại với nhóm cổ phiếu này khi tỷ trọng giá trị khớp lệnh của VN30 trong tổng giá trị GD của sàn HSX đã giảm từ 55% xuống còn 51,5%.

Sự dịch chuyển của dòng tiền cho thấy sức hấp dẫn của các blue-chips, vốn đã tăng mạnh trong suốt tháng 8, đã giảm đi khá nhiều và nhà đầu tư đang tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận tốt hơn những cổ phiếu nhỏ. Điều này, theo kinh nghiệm, thường đánh dấu sự kết thúc của một sóng tăng.

RongViet Research đã công bố Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9. Trong báo cáo lần này RongViet Research muốn nhấn mạnh rằng, ở mặt bằng giá hiện tại, rủi ro nhiều hơn cơ hội. Trong tháng 9, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có một số cơ hội “đánh nhanh, rút gọn” đối với các cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động “trading” này nên được thực hiện với mức độ thận trọng cao và tốt nhất với những cổ phiếu chưa tăng nhiều trong tháng 8. Mặt khác, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể duy trì vị thế nắm giữ và cân nhắc chốt lời một phần đối với các cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Cuối cùng, việc mua mới nên được hạn chế tối đa; nhà đầu tư nhất thiết nên quan sát và đợi thị trường điều chỉnh trước có quyết định mua vào bất cứ mã cổ phiếu nào.