VCSC: 2 tổ chức đăng ký mua hơn 98% cổ phần Vietnam Airlines nhiều khả năng là Vietcombank và Techcombank

(NDH) VCSC cho biết, theo các bên tham gia thị trường, nhiều khả năng hai tổ chức tham gia đăng ký mua 98,6% số cổ phần đấu giá của VietNam Airlines là Vietcombank và Techcombank.

Theo thông tin từ Sở GDCK TPHCM (HOSE), đối với 49 triệu cổ phiếu của Vietnam Airlines được đấu giá công khai (tương đương 3,475% vốn điều lệ sau IPO), lượng cổ phiếu được đặt mua lớn hơn 0,7% so với lượng cổ phiếu chào bán.

Trong số cổ phiếu đặt mua này, hai tổ chức trong nước chiếm đến 98%. VCSC cho biết, theo các bên tham gia thị trường, nhiều khả năng hai tổ chức này là Vietcombank và Techcombank.

VCSC cho rằng nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến đợt IPO này là giá chào bán khá cao, khoảng 2,2 lần giá trị sổ sách và cho tỷ lệ EV/EBITDA 2013 là 11,7 lần, trong khi những con số này của các hãng hàng không khác trong khu vực lần lượt là 1,1 lần và 9.0 lần.

Ngoài ra, các nhà đầu tư tiềm năng cũng lo ngại vì vẫn chưa có khung thời gian cụ thể về việc niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines trên một sàn GDCK lớn sau IPO.

Được biết,dự kiến, ngày 14/11 tới, Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tiến hành IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Theo phương án cổ phần hóa, Vietnam Airlines có vốn điều lệ dự kiến hơn 14.101 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá đợt này là 49.009.008 cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ).

Với giá khởi điểm 22.300 đồng/cp thì quy mô của đợt đấu giá này xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ Vietnam Airlines; nhà đầu tư chiến lược nắm 20%; số cổ phần bán đấu giá công khai là 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Vietnam Airlines được thành lập vào T4.1993 và theo lộ trình sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa vào T12.2014 bằng việc giảm sở hữu của nhà nước xuống còn 75%.

Hoạt động chính của công ty là vận tải hàng không tại công ty mẹ và công ty con là Jetstar Pacific Airlines ở thị trường Việt Nam và công ty liên kết là Cambodia Angkor Air ở thị trường Campuchia. Thị phần của TCT tại thị trường nội địa là khoảng 74% và thị trường quốc tế đi/đến Việt Nam là 40% trong năm 2013.

Doanh thu của TCT có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2008-2013 với việc công ty liên tục đầu tư mở rộng mạng bay. Tuy nhiên lợi nhuận lại sụt giảm chủ yếu do chi phí nhiên liệu máy bay tăng cao, sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không nội địa và VNA tiếp nhận Jetstar Pacific Airlines hoạt động không hiệu quả từ SCIC. Hệ số nợ cao của VNA cao do vay nợ nhiều trong thời gian qua để đầu tư đội máy bay.

VNA có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới khi thị trường hàng không quốc tế và Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển ổn định, đặc biệt khi chính sách mở cửa bầu trời ASEAN sẽ chính thức được thực hiện vào năm 2015.