Nếu như bạn là một Giám đốc điều hành (CEO) của một công ty lớn và muốn làm các cổ đông hài lòng cũng như biện minh cho khoản tiền thưởng “khủng” của mình, có 2 biện pháp cơ bản. Một giải pháp là đầu tư lợi nhuận của công ty vào phát triển sản phẩm mới, xây dựng thêm nhà máy hay mở thêm đại lý phân phối. Phương pháp này có nhiều khó khăn khi đòi hỏi nhà quản lý xác định được cơ hội kinh doanh, quản lý hướng đầu tư mới và phải chờ một thời gian mới thu được lại lợi nhuận.
Có một giải pháp khác dễ dàng hơn, đó là đưa khoản lợi nhuận của công ty cho các cổ đông. Đối với phương pháp này, nhà quản lý chỉ cần thực hiện mua lại cổ phiếu hoặc tăng cổ tức. Liệu trong 2 biện pháp này, đâu là lựa chọn tốt nhất? Câu trả lời có thể sẽ khác nhau đối với nhà quản lý công ty, các cổ đông và nền kinh tế nói chung.
Trở nên phổ biến
Việc để lợi nhuận lại cho các cổ đông đã trở nên rất phổ biến trong giới CEO Mỹ. Trong năm 2014, các công ty ngoài lĩnh vực tài chính đã trả gần 1 nghìn tỷ USD cho việc mua lại cổ phiếu cũng như tăng cổ tức. Xét theo % GDP, đây và là số tiền hoàn trả cho cổ đông khá lớn trong vài năm qua. Ngoài khoản tiền thưởng dựa trên giá cổ phiếu, biện pháp hoàn trả lợi nhuận cho cổ đông này còn đem lại nhiều lợi ích khác cho các CEO.
Đầu tiên, biện pháp này khiến những CEO dễ dàng đạt được mục tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) nhờ việc giảm số lượng cổ phiếu tự do lưu thông trên thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục và tăng trở lại từ năm 2009. Tại một số thời điểm, tỷ lệ mua lại cổ phiếu cao gâp 6 lần so với nhu cầu mua của các quỹ đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, động thái này cũng giúp “xoa dịu” nhà đầu tư, vốn đang lo lắng khi các công ty có lượng tích trữ tiền mặt lớn. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tích cực tích trữ tiền mặt, gây ra cắt giảm chi tiêu đầu tư kinh doanh. Với mức lãi suất thấp (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giữ mức lãi suất gần 0%), nhiều công ty thậm chí đã sử dụng khoản tiền tín dụng hàng tỷ USD để trả cho các cổ đông.
Ngoài thị trường Mỹ, việc mua lại cổ phiếu cũng đang gia tăng tại Nhật Bản và Brazil. Tuy nhiên, động thái này không phổ biến tại Châu Âu do nhà đầu tư nơi đây ưa thích tăng cổ tức hơn.
Mặc dù biện pháp này của các CEO có thể làm hài lòng nhà đầu tư, nhưng cũng làm hao mòn nguồn tài chính của công ty. Những khoản tiền này có thể được sử dụng vào những mục đích khác như mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút thêm nguồn nhân lực hoặc tăng lương cho nhân viên. Trong 5 năm qua tính đến 2014, tốc độ mua lại cổ phiếu của các công ty tăng mạnh hơn nhiều so với chi phí đầu tư cho kinh doanh. Trong khi đó, mức lương và chi phí nhân công trong hoạt động kinh doanh đã giảm xuống mức kỷ lục.
Lợi ích cổ đông
Chính sách mua lại cổ phiếu là một biện pháp mới phổ biến trong thời gian gần đây. Vào thập niên 70, giải pháp này hoàn toàn bị cấm tại Mỹ với lo ngại rằng các giám đốc điều hành sẽ thao túng giá cả cổ phiếu.
Tuy nhiên, tình hình đã có những chuyển biến vào thập niên 80 khi Tổng thống Mỹ thời đó là Ronald Reagan cố gắng cắt giảm các quy định phức tạp, những rào cản hạn chế việc mua lại cổ phiếu đã được nới lỏng. Đồng thời, nền văn hóa kinh doanh tập trung vào “lợi ích của cổ đông” đã được ra đời. Trong đó, các chuyên gia cho rằng bản thân thị trường nên đóng vai trò điều hành kinh tế. Những CEO không thể tìm thấy các dự án tốt để đầu tư hay không có kế hoạch sử dụng lợi nhuận hiệu quả nên chuyển khoản tài chính này lại cho cổ đông để được dùng vào những việc tốt hơn.
Ngoài ra, giữ lại nhiều tiền mặt trong xu thế gia tăng các vụ sáp nhập và mua lại là một điều nguy hiểm. Một nguyên nhân quan trọng nữa, là tiền thưởng của các CEO Mỹ thường gắn liền với giá cổ phiếu, nhằm gắn kết lợi ích của họ với cổ đông. Do đó, việc mua lại cổ phiếu đột nhiên bùng nổ.
Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng việc bùng nổ mua lại cổ phiếu là một điều tốt. Nguyên nhân là việc cắt giảm thuế tại Mỹ đã hạ chi phí đi vay, khiến các doanh nghiệp có thể tập trung “kiếm tiền” hơn thay vì tìm cách thanh toán lãi vay định kỳ. Trong vài thập kỷ tới, chức năng kêu gọi vốn khởi nghiệp sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu chủ yếu là để phục vụ lợi nhuận của nhà đầu tư.
Tranh cãi
Tại chiều hướng ngược lại, một số nhà đầu tư và chuyên gia bắt đầu lo ngại rằng việc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp có thể đã “đi quá xa.” Họ cho rằng các CEO nên đặt lợi ích lâu dài của công ty và nhân viên lên trên sự hấp dẫn trong ngắn hạn do chuyển lại lợi nhuận cho cổ đông. Một số chuyên gia nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa mua lại cổ phiếu và suy giảm đầu tư cũng như lao động. Thâm chí, một số nghiên cứu còn cáo buộc các CEO đã gia tăng bất bình đẳng thu nhập bằng cách làm giàu cho cổ đông thông qua “công sức” của người lao động cũng như của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng ý với quan điểm trên. Theo lý thuyết, những CEO không hề có lỗi khi chuyển lại lợi nhuận doanh nghiệp cho cổ đông nếu không tìm thấy cơ hội đầu tư khả thi nào. Trong trường hợp như vậy, các chuyên gia nhận định rằng đổ tiền vào các dự án mới sẽ là lãng phí. Thay vào đó, để các cổ đông tái đầu tư vốn vào những doanh nghiệp khác sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho thị trường. Thậm chí, nhiều chuyên gia đánh giá rằng đây là biện pháp tốt nhất để nền kinh tế thích ứng và duy trì tính cạnh tranh. Mặt khác, một phân tích của Bloomberg Intelligence cho thấy nhiều kế hoạch mua lại cổ phiếu tại Mỹ có tính hỗ trợ cao khi đề nghị mức giá hấp dẫn với cổ đông, qua đó đảm bảo quyền lợi cho họ trên thị trường chứng khoán.