Vẫn còn khoảng 80% tổng số vốn phải hoàn thành thoái vốn

(NDH) Theo Ban đổi mới và Phát triển DN Trung ương, việc ban hành cơ chế chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN chưa đạt tiến độ đề ra, các bộ đều trình chậm so với kế hoạch.

Một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc vẫn chưa được ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm. Phó trưởng ban thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN Trung ương Lê Mạnh Hà coi đây là những điểm yếu cần phải khắc phục.

Thưa ông, đã 8 tháng qua, nhưng có lẽ kết quả của công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN chưa đạt như mong đợi?

Phó trưởng ban thường trực Lê Mạnh Hà: Kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước 8 tháng đầu năm cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn đã triển khai các đề án tái cơ cấu DNNN được phê duyệt; đồng thời phê duyệt và chỉ đạo thực hiện các đề án cơ cấu các DN trực thuộc. Trong đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành. Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, sắp sếp lại các DN cấp 3.

Đến nay, cả 289 DN được CPH năm 2015 đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó có 95 DN đã được phê duyệt phương án, 65 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 129 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Mặc dù trong 8 tháng đầu năm mới hoàn thành CPH được 95 DN nhưng dự kiến năm 2015 sẽ CPH được 200/289 DN.

Trong tháng 9 và tháng 10 đa số các DN còn lại sẽ có quyết định công bố giá trị DN - bước quan trọng nhất trong quy trình CPH DN. Theo báo cáo của các bộ ngành địa phương, DN và theo dõi của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN TW thì có 89 DN khó có khả năng hoàn thành CPH trong năm nay.

Kết quả thoái vốn nhà nước cũng cho thấy, đến 27/8, cả nước thoái vốn được 8391 tỷ đồng, thu về 12.384 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản là 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính là 1.295,4 tỷ đồng, thu về 1.346,5 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 4.406 tỷ đồng, thu về 7.861 tỷ đồng.

Như vậy, so với 9 tháng đầu năm 2014 thì kết quả thoái vốn theo giá trị sổ sách tăng 140%. Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt là Tập đoàn viễn thông quân đội: thoái 2.655 tỷ đồng, thu về 3.169 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng; SCIC thoái 961 tỷ đồng, thu về 2.604 tỷ đồng; PVN thoái 362 tỷ đồng, thu về 1.122 tỷ đồng).

Vậy còn kết quả những đợt IPO thì sao thưa ông?

Kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu cho thấy, đến 27/8 có 70 DN được chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) tại sở GDCK và các CTCK với tổng số lượng cổ phần chào bán hơn 734 triệu cổ phiếu, trị giá 7.345,7 tỷ đồng.

Số cổ phần bán được là 232.113.993 cổ phiếu, đạt 31,6% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong tổng số 70 DN IPO có 40 DN bán đạt 99% tổng số cổ phần chào bán. Với số liệu này, đúng là kết quả IPO chưa được như mong đợi và xứng với khả năng.

Kiểm điểm những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cho thấy, đầu tiên là do việc ban hành cơ chế chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN chưa đạt tiến độ đề ra. 7/11 văn bản theo chương trình phải trình trong 8 tháng thì các bộ đều trình chậm so với kế hoạch.

Một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định gía trị DN để CPH, trong thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn nhà nước tại CTCP nhà nước không cần nắm giữ tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa được ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm.

Số lượng DN phải hoàn thành CPH trong 4 tháng cuối năm còn khá nhiều; số vốn các tập đoàn tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 80% tổng số vốn phải thoái.

Nguyên nhân chủ quan được xác nhận là các bộ ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra; việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chnsh sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa kịp thời. Một số bộ ngành, địa phương DN chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH, thoái vốn đã được phê duyệt.

Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị tường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước.

Nhiều DN thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp,việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để CPH, việc lựa chọn cổ đông chiến lược cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Với thực trạng đó, Ban đổi mới và Phát triển DNTW có những kiến nghị gì để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch đề ra, thưa ông?

Để thực hiện được nhiệm vụ, kế hoạch, Ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DN theo kế hoạch.

Các bộ ngành địa phương tập đoàn TCTNN cần tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ CPH 89 DN thuộc diện khó hoàn thành CPH theo đúng kế hoạch năm 2015. Xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch. Tiếp tục rà soát tiêu chí, danh mục để bổ sung kế hoạch.

Rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành CTCP trình thủ tướng hoặc báo cáo các bộ quản lý ngành, UBND để trình Thủ tướng phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi trước 1/11.

Trong tháng 9, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, NHNN và các TĐ, TCTNN tiến hành rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn tổng thế đối với số vốn các TĐ, TCTNN đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, Ban Đổi mới và phát triển DN TW sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCTNN trong việc thực hiện tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ SX-KD được giao, tổng hợp khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành địa phương, DN trong thực hiện tái cơ cấu để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Thêm vào đó, sẽ gấp rút tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, xây dựng phương án tổng thể cho giai đoạn 2016-2020 và tăng cường, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các DN, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN.

Xin cảm ơn ông.