Unilever vs P&G: Cuộc đua 2 thập kỷ trên đất Việt

Unilever và P&G là hai tập đoàn tiêu dùng hàng đầu tại Mỹ, hiện cũng là hai người khổng lồ phủ bóng tại thị trường Việt Nam.

Nội dung nổi bật:

- Năm 1995 một làn sóng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Cargill, GE,… hướng đến Việt Nam. Và Unilever, P&G cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào làn sóng này.

- Hiện Unilever Việt Nam có 24 nhãn hàng quen thuộc như Lipton, P/S, OMO, Sunlight, Knorr, Vim,… trong khi P&G hiện có 15 nhãn hàng.

- Unilever Việt Nam sử dụng chiến thuật đa nhãn hàng và đổ tiền nhiều cho quảng cáo, đem về doanh thu cao thì P&G lại theo đuổi chiến thuật thận trọng khi chọn những phân khúc có lợi nhất, định vị sản phẩm cao, hướng tới nhóm người tiêu dùng đô thị nên hiệu quả cao.


40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, bộ mặt kinh tế đất nước cùng với mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia đã có nhiều thay đổi đáng kể. Ngày nay, những sản phẩm của những tập đoàn Mỹ như Unilever, P&G, Coca-Cola,… hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân Việt cũng như những sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Minh Phú, Vĩnh Hoàn,… có mặt trên bàn ăn của người Mỹ.

Unilever và P&G là hai tập đoàn tiêu dùng hàng đầu tại Mỹ, hiện cũng là hai người khổng lồ phủ bóng tại thị trường Việt Nam. Theo ước lượng của Forbes Việt Nam, doanh số của P&G Việt Nam khoảng 8.000 tỷ đồng.

Cuộc đua hai thập kỷ

Năm 1995 sau khi thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, một làn sóng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Cargill, GE,… hướng đến Việt Nam. Và Unilever, P&G cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào làn sóng này.

Năm 1995, Unilever bắt đầu đặt nhà máy tại khu công nghiệp Củ Chi. Hiện Unilever Việt Nam tuyển dụng trực tiếp hơn 1.500 người và tạo ra việc làm gián tiếp cho hơn 10.000 người. P&G đặt chân tại Việt Nam từ năm 1995 và hiện đã tăng gấp 3 lần vốn đầu tư kể từ thủa ban đầu. Kể từ năm 2009, P&G Việt Nam là một trong những chi nhánh phát triển nhanh nhất của tập đoàn P&G, tăng trưởng gấp 15 lần so với quy mô cách đây 10 năm.

Hai thập kỷ đặt chân đến Việt Nam, hiện Unilever là công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam với các nhãn hàng quen thuộc như OMO, Clear, Sunlight, Knorr, Dove, P/S,… trong khi P&G đứng vị trí thứ 2 với các nhãn hàng như Tide, Rejoice, Downy, Pantene,…

Kẻ tự tin, người thận trọng

Lĩnh vực tiêu dùng nhanh Việt Nam là thị trường có sức tăng trưởng tốt khi được Nielsen xếp hạng quốc gia có tăng trưởng FMCG cao nhất khu vực châu Á với tỷ lệ 24,3%. Việt Nam còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng với dân số đông thứ 3 Đông Nam Á, với gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi).

Đặc điểm chung của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là chịu tác động trực tiếp bởi nhận diện thương hiệu nên với lợi thế xuất hiện khá sớm tại Việt Nam cùng với nguồn lực tài chính chi cho quảng cáo, thương hiệu nên dễ hiểu tại sao Unilever và P&G lại chiếm được vị thế như hiện nay tại Việt Nam.

Hiện Unilever Việt Nam sản xuất 3 nhóm hàng chính gồm: Thực phẩm và đồng uống, chăm sóc gia đình, chăm sóc cá nhân với 24 nhãn hàng quen thuộc như Lipton, P/S, OMO, Sunlight, Knorr, Vim,… trong khi P&G hiện có 15 nhãn hàng như Tide, Rejoice, Gillette, Oral-B,…

Các nhãn hàng của Unilever Việt Nam.

Các nhãn hàng của Unilever Việt Nam.

Các nhãn hàng của P&G Việt Nam.

Sở dĩ có sự chênh lệch giữa các nhãn hàng của hai tập đoàn này xuất phát từ chiến lược kinh doanh khác biệt giữa hai ông lớn. Theo các chuyên gia, trong khi Unilever Việt Nam sử dụng chiến thuật đa nhãn hàng và đổ tiền nhiều cho quảng cáo, đem về doanh thu cao thì P&G lại theo đuổi chiến thuật thận trọng khi chọn những phân khúc có lợi nhất, định vị sản phẩm cao, hướng tới nhóm người tiêu dùng đô thị nên hiệu quả cao. Cách đi của P&G Việt Nam cũng được chính người điều hành cao nhất của hãng cho biết là theo dõi nhu cầu thị trường từ đó mở rộng sang các thương hiệu khác trong cùng lĩnh vực một cách tuần tự.

Quá trình P&G đầu tư vào Việt Nam cũng cho thấy những bước đi thận trọng: Năm 1999 P&G xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, năm 2001 nhà máy này sản xuất thêm sản phẩm băng vệ sinh Whisper. Đến năm 2010 công ty này mới mở thêm một nhà máy sản xuất tã giấy Pamper, 2013 xây thêm nhà máy thứ 3 tại Việt Nam khi thị trường chứng minh có tiềm năng rõ ràng.

Hai phong cách tuyển dụng

Hai tập đoàn đến từ Mỹ này đều nằm trong top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2014 do Anphabe và Nielsen bình chọn, Unilever đứng số 1, P&G đứng số 6. Tuy nhiên chính sách phát triển nhân sự của hai công ty này cũng khá khác nhau đúng như chiến thuật kinh doanh.

P&G có chính sách tuyển người khá đặc trưng là "xây dựng từ bên trong", đào tạo nhân viên trong nội bộ rồi đưa dần lên vị trí quan trọng chứ không tuyển dụng người từ bên ngoài. Theo Forbes, 95% nhân viên đang làm việc tại đây được tuyển dụng theo cách này. Trong khi đó Unilever lại tổ chức những cuộc thi tài năng như Ufresh để tìm kiếm tài năng hoặc tuyển quản lý từ các kênh tuyển dụng như Vietnamwork.

Dù tuyển dụng bằng cách nào đi nữa, khi làm việc cho những tập đoàn đa quốc gia này, những tài năng đều được trọng dụng và có cơ hội làm việc trên toàn thế giới. Tổng giám đốc P&G Việt Nam từng trả lời phỏng vấn: "Khi chúng tôi tuyển dụng một người mới tốt nghiệp, chúng tôi không trao cho họ một việc làm mà trao cho họ một nghề và nghề này mang tính quốc tế."

Cuộc đua hai thập kỷ giữa Unilever và P&G tại Việt Nam tuy chưa ngã ngũ nhưng cũng đã góp phần đóng góp đáng kể cho chuyển biến nền kinh tế cũng như đời sống xã hội Việt Nam.