UBGSTC: Chứng khoán có cơ sở để phục hồi sau khi giảm trong tháng 8

(NDH) Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 8 do cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế, nhưng hiện có nhiều cơ sở để phục hồi.

Trong báo cáo tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm 2015 vừa công bố, UBGSTC cho biết tính đến ngày 26/8/2015, chỉ số VN-Index đã giảm 12% so với cuối tháng 7, còn chỉ số HNX-Index giảm 10%.

Sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo cơ quan này, do cả các nguyên nhân từ bên ngoài lẫn các yếu tố nội tại.

Thứ nhất, chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh, với chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 10% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 5 năm nay.

Thứ hai, chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán mới nổi đã giảm 17% từ đầu năm 2015 và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước khi giới đầu tư quốc tế lo ngại những biến động và rủi ro hệ thống có thể còn tiềm ẩn trong tương lai gần.

Thứ ba, việc rút vốn tại các thị trường mới nổi đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng huy động vốn của các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế, quỹ ETF Vietnam Market Vector đã bị rút vốn khoảng 18 triệu USD từ đầu tháng 8, theo đó gây ra sự thiếu hụt nguồn vốn hỗ trợ thị trường.

Về yếu tố nội tại, UBGSTC cũng nêu bật một số nguyên nhân.

Thứ nhất, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu dầu khí khi giá dầu giảm trở lại. Với một số dự báo bất lợi cho rằng giá dầu sẽ về mức khoảng 32- 35 USD/thùng, một số cổ phiếu dầu khí như PVD, GAS bị bán tháo dù đã giảm xuống dưới giá trị thực.

Thống kê toàn thị trường cho thấy khối ngoại đã bán ròng khoảng 11,7 triệu USD kể từ đầu tháng 8 trên thị trường niêm yết.

Thứ hai, thị trường cũng chịu tác động khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng gần 3% trong tháng 8.

Thứ ba, chứng khoán giảm đột ngột dẫn đến hiện tượng bán tháo, bán giải chấp trên thị trường, khiến đà giảm trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, UBGSTC cho rằng thị trường chứng khoán có cở sở để phục hồi trở lại do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và thị trường vẫn ở mức độ tích cực.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được những cân đối lớn về thương mại, đầu tư và ít chịu tác động tiêu cực như các quốc gia mới nổi khác.

Thứ hai, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2015, và mức giá của nhiều cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn khi P/E bình quân thị trường về khoảng 10,6 lần.

Thứ ba, các chính sách phát triển thị trường chứng khoán như Thông tư 123/2015/BTC đang được triển khai đúng tiến độ.