Wilbur L. Ross chia sẻ, năm 2001, lần đầu tiên ông đến Việt Nam, ông nhìn thấy các gia đình ở Việt Nam chủ yếu là đi bằng xe đạp. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông thấy một Việt Nam rất khác, nhiều gia đình đã sở hữu ô tô, thậm chí sở hữu cả những khách sạn lớn, doanh nghiệp lớn.
"Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu doanh nghiệp nhà nước giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt nó", Wilbur nói.
Việt Nam chào đón dòng vốn đầu tư từ Mỹ
Chủ trì Hội nghị tại New York mang tên "My Vietnam - Your investment Destination: Việt Nam của tôi - điểm đến đầu tư của bạn", với tâm thế cởi mở và cầu thị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng truyền đi thông điệp về một nền kinh tế năng động và đổi mới, mong muốn và sẵn sàng đón dòng vốn từ nước ngoài, nhất là dòng vốn từ Mỹ vào đầu tư.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Cụ thể, về đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ hiện có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Hoa Kỳ khoảng 15,35 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.
Về khối lượng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ hơn 5 triệu trái phiếu, hơn 8.500 chứng chỉ quỹ và hơn 1 tỷ cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán nhà đầu tư Hoa Kỳ sở hữu trên TTCK Việt Nam, theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, vào khoảng 1,6 tỷ USD.
Về quan hệ thương mại, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD, tăng gấp 36 lần so với năm 2000, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ và dự báo còn tăng mạnh trong các năm tới với chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Những sự kiện và con số nói trên cho thấy các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế này, Bộ trưởng chia sẻ mong muốn mở ra một kênh đối thoại thực chất, giúp các DN và nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ về Việt Nam, hiểu rõ nỗ lực đổi mới của Chính phủ, củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Cơ hội từ việc nới room và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Hai nội dung cụ thể được nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị là câu chuyện về room và lộ trình cổ phần hóa. Chỉ 3 ngày trước ngày tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, trong đó có việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, diễn biến này một mặt cho thấy, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao nhà đầu tư Hoa Kỳ, mặt khác đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có việc chào đón dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam một cách mạnh mẽ từ chính sách này.
Liên quan đến cơ hội cụ thể từ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và tái cấu trúc của các DN tại Việt Nam, chia sẻ với các nhà đầu tư Mỹ, Tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC hiện có gần 300 DN cần thoái phần vốn Nhà nước, cùng với đó Thủ tướng Chính phủ vừa bàn giao 20 tập đoàn, tổng công ty cho SCIC quản lý phần vốn Nhà nước, trong đó có các tập đoàn lớn như Vinatex, cũng sẽ được SCIC thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn mạnh mẽ.
"Với quyết sách mở room đến 100% tại Nghị định 60 mà Chính phủ vừa ban hành, tôi rất mong các nhà đầu tư Mỹ sẽ quan tâm, mua lại phần vốn Nhà nước trong các DN mà SCIC đang quản lý vốn, đồng thời nhà đầu tư Mỹ có thể cùng SCIC tham gia các dự án đầu tư khác tại Việt Nam", ông Đạo nói và cho biết, với nhà đầu tư Mỹ, có một số cơ hội đáng xem xét.
Cụ thể, hiện nay, SCIC đang muốn thoái vốn tại Vinaconex, đây là tổng công ty thuộc loại lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, với lượng vốn dự kiến bán ra khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, SCIC cũng sẽ thoái vốn tại một số DN trong ngành khách sạn, du lịch, như CTCP Du lịch Đồ Sơn, cũng là kế hoạch đáng quan tâm với nhà đầu tư Mỹ.
"Cùng với quyết sách nới room, SCIC sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bán lượng lớn phần vốn Nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn. Khi Thủ tướng cho phép, chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến nhà đầu tư Mỹ để thu hút sự quan tâm của dòng vốn tại đây", ông Đạo nói.
Trên vị thế của ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa và niêm yết, Phó tổng giám đốc BIDV Phạm Quang Tùng đã chia sẻ mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư lớn bằng thông điệp cụ thể.
Ông Tùng cho biết, BIDV muốn phát hành lượng cổ phiếu mới cho nhà đầu tư nước ngoài theo 2 gói. Gói 1, sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược với lượng tối đa 20% và gói 2 sẽ bán cho nhà đầu tư tài chính với lượng tối đa 10%.
Mối quan tâm về cơ hội đầu tư BIDV của nhà đầu tư Mỹ nóng hơn khi BIDV đã là DN niêm yết và ông Tùng cho biết, 6 tháng qua, giá cổ phiếu BID tăng 70%, nhưng trong việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính, Ngân hàng sẽ chọn mức định giá cổ phiếu phù hợp trên cơ sở cùng hợp tác vì lợi ích lâu dài của các bên, chứ không phải chỉ quan tâm đến giá bán.
Cũng theo ông Tùng, thông qua Morgan Stanley, BIDV đã tiếp cận với một số nhà đầu tư Mỹ, nhưng các bên vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, cơ hội đang rộng mở với tất cả các nhà đầu tư quan tâm.
Cũng chia sẻ với nhà đầu tư Mỹ, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Vinacomin có quy mô khá lớn, chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực.
Vốn chủ sở hữu của Vinacomin khoảng 2 tỷ USD và ông rất mong nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến cơ hội đầu tư khi Vinacomin cổ phần hóa.
"Vịnh Hạ Long đã được công nhận là di sản thế giới, cũng chính là địa bàn chiến lược của Vinacomin, nơi mang lại 50% doanh thu, 70% lợi nhuận cho Tập đoàn. Hãy cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp và con người hiền hòa nơi đây để thấy, Vinacomin - chúng tôi - là điểm đến hấp dẫn với các bạn", ông nói.
Thông điệp của Chính phủ Việt Nam và sự cởi mở, cầu thị của các DN đã đem đến những ấn tượng đẹp với nhà đầu tư Mỹ. James V. Calvano đến từ Quỹ đầu tư Vangurd chia sẻ, ông không nghĩ Hội nghị của Việt Nam lại mang đến những thông điệp tuyệt vời như thế.
"Việt Nam đúng là cách Mỹ rất xa về khoảng cách địa lý, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đến Việt Nam để cảm nhận rõ hơn các cơ hội ở đây và kết nối với nhà đầu tư của Vanguard", James nói.
Giám đốc quản lý rủi ro của Merrion Financial Group, ông Joel W. Miller nhận xét, ông cảm nhận được sự cởi mở và cầu thị của Chính phủ Việt Nam khi tại đây, các nhà đầu tư không chỉ được đối thoại với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCK Việt Nam, mà còn có nhiều thông tin về chính sách thuế, về thủ tục đầu tư, đặc biệt là về các DN lớn đang cần gọi vốn. Chúng tôi rất ấn tượng và chắc chắn sẽ tìm hiểu chi tiết hơn cơ hội từ Việt Nam", Joel nói.