Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: "Vingroup không đầu tư theo mốt"

Trước đó, với việc đầu tư chạy theo trào lưu, công ty chứng khoán của Vingroup có thể nói đã bán với giá 0 đồng. Toàn bộ ngân hàng dẹp ngay trước khi thành lập, tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng cho biết.

Sau bán lẻ, thương mại điện tử, thời trang, nông nghiệp, cảng biển, mới đây Vingroup lại có tên trong danh sách các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến các dự án xã hội hóa ngành đường sắt.

Việc mở rộng kinh doanh đa ngành nghề của Vingroup bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là bất động sản khiến nhiều cổ đông băn khoăn về tính hiệu quả của chiến lược kinh doanh này.

"Những năm trước, nhà nhà đi làm đầu tư đa ngành. Vingroup cũng theo hướng đó, đã mở công ty chứng khoán và cũng dự kiến lập ngân hàng, nhưng sau đó lại trở về với cốt lõi. Hai năm gần đây, Vingroup trở lại đầu tư đa ngành nghề, từ bán lẻ, cầu cảng, bến bãi... Làm nhiều việc như vậy thì liệu tập đoàn có đủ sức, đủ trí tuệ hay không?", một cổ đông đưa ra câu hỏi tại Đại hội cổ đông Vingroup mới đây.

Trước ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng thừa nhận: "Nếu như những năm trước đây, chúng ta cũng đầu tư theo trào lưu chung, thì không phải sau vài ba năm, mà chỉ sau vài tháng chúng ta đã rút lui, thậm chí chấp nhận vừa bán vừa cho. Công ty chứng khoán có thể nói bán với giá 0 đồng. Toàn bộ hệ thống ngân hàng lập tức dẹp trước khi thành lập".

"Tôi muốn nói là: Lĩnh vực nào mà chúng ta không nhìn thấy tương lai, không mang lại giá trị to lớn, thì lập tức dẹp. Không có chuyện đầu tư theo trào lưu".

"Thứ nữa, các lĩnh vực chúng ta đang đầu tư mở rộng không phải đầu tư theo phong trào, theo mốt" - tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Theo ông Vượng, Vingroup có 2 nguyên tắc lựa chọn các hướng đầu tư.

Một là , lĩnh vực mới phải tạo ra được giá trị to lớn cho hệ sinh thái về sản phẩm của Vingroup, để tạo ra lợi ích cho khách hàng của mình trước tiên, và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Vingroup.

Hai là , lĩnh vực mới có thể liên quan đến các lĩnh vực cốt lõi, hoặc không liên quan, nhưng chung cuộc không tạo ra và không thể tạo ra được giá trị to lớn, thì Vingroup không làm.

Đấy là lý do ông Vượng không đầu tư và chuỗi các rạp chiếu phim - một yếu tố cần thiết để hút khách tới trung tâm thương mại.

"Chúng tôi nhẩm ra mỗi 1 rạp chiếu phim 1 năm nhiều lắm mang về 200 - 300 nghìn USD tiền lãi. Dù mở 100 rạp chiếu phim - một con số có thể nói là không tưởng ở Việt Nam, cũng chỉ lãi được tầm 2 chục triệu đô. Sau khi tính toán con số tổng, chúng tôi bỏ" - ông Vượng cho hay.

Nông nghiệp, Logistic: Làm tốt vẫn có lãi

Về lĩnh vực nông nghiệp, sếp Vingroup cho biết doanh nghiệp sẽ trồng khoảng vài chục nghìn ha rau. "Kể cả đầu tư nông nghiệp bằng công nghệ tiên tiến nhất của Israel, Nhật Bản chẳng hạn, nếu đầu tư nghiêm túc, vẫn có lãi" - Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Ông Vượng cũng cho rằng việc tự cung được các sản phẩm rau quả sạch sẽ giúp Vingroup cạnh tranh được trên thị trường bán lẻ với thương hiệu VinMart.

Còn với việc đầu tư vào cảng biển, bất chấp việc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty cảng và lợi nhuận của các cảng hiện nay chỉ quanh quẩn 2 - 3%, ông Vượng khẳng định Vingroup làm chắc chắn có lãi tốt.

"Nếu chúng ta tái cấu trúc lại, sắp xếp lại, tổ chức lại, thuê những chuyên gia hàng đầu kể cả trong và ngoài nước về làm... chắc chắn hiệu quả sẽ cao, sẽ tạo ra một nền tảng cơ bản cho hệ thống Logistic của Việt Nam. Với chi phí vận chuyển 1kg từ Sài Gòn ra Hà Nội hiện ở mức 2.000 đồng/kg, chỉ cần chúng ta làm được ở mức 500 - 600 đồng/kg, giá chỉ bằng khoảng 1/4 mức hiện tại thôi, chúng ta sẽ có lãi tốt" - ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.

"Chúng ta không mạo hiểm, không cố gắng nỗ lực tìm tòi, phát triển thì chúng ta sẽ bị diệt vong, không có con đường nào khác. Chúng ta không thể làm mãi bất động sản. Chu kỳ bất động sản vài ba năm nữa lại đi vào suy thoái, thì không lẽ chúng ta lại hoãn họp Đại hội cổ đông? Đương nhiên không thể như vậy được. Chúng ta phải phát triển bền vững, đa dạng hóa ngành nghề nhằm giảm thiểu rủi ro".

Vingroup không tận dụng vị thế để mua đi bán lại

"Chúng tôi không tận dụng vị thế của mình để mua đi bán lại" - ông chủ Vingroup khẳng định.

Mới đây, với việc đấu giá công khai Công ty TNHH Trung tâm Triển lãm Giảng Võ - công ty mà Vingroup trở thành nhà đầu tư chiến lược với việc mua 80% cổ phần công ty này (sau tăng tỷ lệ sở hữu lên 89,42%), chỉ có 3,8% tổng số cổ phần mang ra đấu giá được mua với giá sàn.

"Điều này thể hiện những sản phẩm chúng ta mua là đúng giá thị trường và nghiêm túc" - ông Phạm Nhật Vượng cho biết.

"Tôi cho rằng, câu chuyện nghiêm túc ngày hôm nay sẽ được nhìn thấy, đánh giá sau nhiều năm, nhiều chục năm nữa. Tôi không muốn danh tiếng của Vingroup bị dây vào những việc như là lợi dụng quá trình cổ phần hóa các công ty, mà chúng ta tăng trưởng được nhờ trí tuệ, sự cố gắng của mình".

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ