Tỷ phú Mỹ lạc quan về khoản đầu tư vào dệt may Việt Nam

Đây là lời khẳng định của Tỷ phú Wilbur Ross, người giàu thứ 200 của Mỹ, người vừa quyết định đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam trong năm nay.

Tỷ phú Wilbur Ross đã quyết định đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam trong năm nay, với dự định đầu tư mới và nâng cấp hàng loạt các cơ sở của Tổng công ty Dệt may Việt Nam Vinatex trên toàn quốc.

Quyết định đầu tư vào Việt Nam của tỷ phú Ross cũng diễn ra đúng thời điểm Việt Nam quyết định nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 100% cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty đại chúng của Việt Nam.

Thưa ông Ross, sao ông lại hứng thú với ngành dệt may của Việt Nam như vậy?

Tỷ phú Wilbur Ross: Tại sao lại không khi dệt may là một trong những thế mạnh của Việt Nam và chúng tôi đang nhìn thấy nhiều cơ hội ở đây. Các bạn cũng đang là nhà sản xuất hàng dệt may và giày dép lớn trên thế giới nhưng các bạn lại đang phải nhập tới hơn 80% nguyên liệu thô từ Trung Quốc và một vài nước khác.

Điều này đang làm cho chuỗi cung ứng nguyên liệu trở nên phức tạp và đội chi phí sản xuất lên nhiều lần. Vì thế, tôi nghĩ một quy trình sản xuất tổng hợp từ khâu cung cấp nguyên liệu đến sản xuất là cần thiết với các bạn vào lúc này.

Ông nói đúng, dệt may của Việt Nam rất tốt, nhưng Việt Nam dường như mới chỉ tốt được ở mức làm công ăn lương?

Cho đến giờ, xét về ngành may mặc và cả da giày thì Mexico đang là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Song họ đang có lợi thế hơn hẳn các bạn vì Mexico có Hiệp định thương mại tự do với Mỹ NAFTA. Ngành da giày của Mexico mỗi năm nhờ đó mà tránh được 2 tỷ USD tiền thuế. Còn hàng may mặc cũng đỡ được hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Điều đang khiến tôi hy vọng lớn đó là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Khi Hiệp định này hoàn thành, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Khi thuế suất nhiều mặt hàng của Việt Nam được giảm xuống bằng 0, sẽ có bao nhiêu hàng hoá được bán đi, bao nhiêu việc làm mới được tạo ra cho Việt Nam.

Ông được phố Wall đánh giá khá mát tay với các vụ đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, không chỉ có Mỹ mà khắp nơi trên thế giới. Vậy ông có ý định đầu tư vào ngân hàng Việt Nam không?

Tôi được biết, hầu hết người dân Việt Nam giờ đều có tài khoản ngân hàng nhưng không phải ai cũng thông thạo giao dịch trực tuyến qua internet, qua điện thoại. Phân khúc này vẫn còn để ngỏ. Nhiều hãng công nghệ và dịch vụ ngân hàng của phương Tây cũng đang nhắm đến Việt Nam. Vì thế trong tương lai gần, dịch vụ ngân hàng trực tuyến sẽ là thứ rất hấp dẫn. Tất nhiên, hấp dẫn với cả chúng tôi nữa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!