Tỷ lệ nợ cao đe dọa tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ

Tỷ lệ nợ cao đang bao phủ một bóng đen đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của thị trường chứng khoán Mỹ mà hiện đang được xem là sôi động với nhiều cổ phiếu tăng giá đến chóng mặt.

Các công ty Mỹ đang vay tiền với tốc độ nhanh hơn tốc độ kiếm tiền của chính họ và tỷ lệ nợ đang gia tăng nhanh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Điều đáng chú ý là thay vì dùng các khoản nợ để xây dựng nhà máy, thuê thêm nhân công, mở rộng sản xuất, các công ty chi trả nhiều hơn cho các cổ đông, hoặc chi cho các thương vụ mua bán sát nhập. Theo số liệu của Bloomberg, khối lượng mua lại cổ phiếu đạt mức cao nhất trong năm ngoái và giá trị M&A trên toàn cầu được công bố chỉ trong năm nay cũng ở mức cao ngất ngưởng.

Số liệu cho thấy các công ty đầu tư phi tài chính đã phát hành 366 tỷ USD trái phiếu trong 2 quý qua. Riêng trong quý 1/2015, giá trị trái phiếu đã phát hành là 194,6 tỷ USD, con số cao nhất tính theo quý trong lịch sử. Giá trị M&A trên toàn cầu đạt 1.400 tỷ USD trong năm nay.

Nợ sẽ xói mòn tăng trưởng trong tương lai và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty khi mà chi phí lãi vay tăng lên. Theo Jody Lurie, một nhà phân tích về tín dụng của Montgomery Scott LLC, một tổ chức hiện đang quản lý 63 tỷ USD, cho biết, khi các công ty mua lại cổ phần với mục đích cải thiện tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.

Theo một tính toán về tỷ lệ đòn bẩy trung bình, các công ty đang vay nợ 1.267 USD cho mỗi USD kiếm được.

Trên thực tế, các công ty đổ xô đi vay nợ để đề phòng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất.

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà phân tích kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Đến cuối năm 2016, các nhà phân tích còn dự báo rằng lãi suất chuẩn sẽ lên tới 1,5%.

Bài học từ quá khứ cho thấy, các công ty gia tăng nợ trong thời kỳ bùng nổ tín dụng đầu những năm 2000 có khả năng cao sẽ phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự trong thời kỳ suy thoái 2007-2009 do không thể huy động thêm vốn, theo một báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ công bố hồi tháng 4./.