Tuần qua: Chứng khoán Trung Quốc giảm 8%, Mỹ tăng 1%, Châu Âu đi ngang

(NDH) Chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần đầy biến động khi giảm mạnh vào đầu tuần và hồi phục về cuối tuần, chủ yếu do tác động từ thị trường Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ ngày 11/8 và một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này suy yếu đã kích hoạt một đợt bán tháo với tâm lý hoảng loạn, khiến thị trường trong tuần có lúc mất tới 20%.

Tuy nhiên, thị trường này đã có 2 phiên hồi phục về cuối tuần khi giới chức Trung Quốc công bố quỹ lương hưu của nước này sẽ sớm bắt đầu đầu tư 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (323 tỷ USD) vào thị trường cổ phiếu và các tài sản khác.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng được ghi nhận đã can thiệp vào thị trường tiền tệ ngày thứ hai liên tiếp để bình ổn đồng Nhân dân tệ nhằm giảm dự đoán về khả năng phá giá hơn nữa.

Trong một dấu hiệu can thiệp khác của chính phủ, cơ quan điều hành chứng khoán Trung Quốc cho biết sau phiên ngày đóng cửa ngày thứ Sáu rằng họ sẽ thắt chặt quy định về ký quỹ, một nỗ lực nhằm hạn chế sự đầu cơ quá mức.

Chỉ số chủ chốt Shanghai Composite Index tăng 4,8% trong phiên cuối tuần, chốt phiên tại 3.232,35 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn giảm 7,9%.

Lo ngại về sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi Trung Quốc phá giá tiền tệ cũng tác động đến thị trường chứng khoán Châu Âu và Mỹ, nhưng mức độ ảnh hưởng ít hơn.

Chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu Châu Âu đi ngang trong tuần, dù có lúc giảm tới 8% trước đó trong tuần. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm gần 10% kể từ đầu tháng 8 – hướng tới tháng giảm mạnh nhất trong 4 năm.

Thị trường hồi phục về cuối tuần khi lo ngại về Trung Quốc khiến thị trường dự đoán Fed sẽ chưa tăng lãi suất vào tháng 9 tới.

Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer nói rằng Fed vẫn chưa quyết định liệu có tăng lãi suất vào tháng 9 hay chưa.

Bình luận đó có lẽ khiến thị trường chứng khoán Phố Wall hoạt động tích cực hơn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% cả tuần, trong khi chỉ số S&P tăng 0,9%, và chỉ số Nasdaq tăng 2,6%.

Trong tuần, chỉ số chủ chốt S&P 500 có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã tái cân bằng danh mục của mình vào cuối tuần, khiến thị trường hồi phục.

Hiện chỉ số S&P vẫn còn giảm hơn 5% so với mức trước khi thị trường bắt đầu bị bán tháo vào ngày 18/8.

Hãng Credit Suisse đã hạ mục tiêu cuối năm của chỉ số S&P 500 từ mức 2.200 điểm xuống 2.100 điểm vào ngày thứ Sáu.