Tuần qua VN-Index đóng cửa ở mức 585,28 điểm, giảm 32,44 điểm so với tuần trước, tương ứng giảm 5,25%. Vn-Index đã có 6 phiên giảm liên tiếp trong đó phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/10) chỉ số này giảm gần 8,5 điểm.
Thị trường chứng kiến khối ngoại bán rất mạnh các cổ phiếu bluechips, tập trung vào các trụ cột chính trên thị trường như GAS, PVD, MSN, VIC…
Một trong số các “tác nhân” kéo thị trường giảm là do TTCK thế giới giảm mạnh trong tuần qua khiến các nhà đầu tư quốc tế rút ròng tại quỹ Market Vector Vietnam ETF.
Số chứng chỉ quỹ lưu hành của VNM
Quỹ ETF này chỉ tính riêng trong tuần qua đã bị rút 650.000 chứng chỉ quỹ, trong đó riêng phiên giao dịch cuối tuần bị rút 500.000 chứng chỉ quỹ, số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành trong tuần giảm từ 27,2 triệu đơn vị xuống 26.55 triệu đơn vị. Với NAV của VNM ở mức 21,03 USD/ccq cuối tuần, các nhà đầu tư quốc tế đã rút ròng khoảng 13,67 triệu USD khỏi quỹ Market Vector Vietnam ETF trong tuần qua, tương đương hơn 290 tỷ đồng.
So sánh danh mục của Market Vector Vietnam ETF tại ngày 17/10, trong tuần qua quỹ ETF này đã bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu STB và ITA, bán ròng hơn 300.000 cổ phiếu MSN, gần 460.000 cổ phiếu VIC, 770.000 cổ phiếu VCB, 680.000 cổ phiếu FLC, 854.000 cổ phiếu SHB, 466.000 cổ phiếu VCG…
Danh mục của VNM ngày 17/10
Gần như toàn bộ cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của VNM tuần qua đều bị bán ròng.
VNM cũng duy trì mức discount (chênh lệch giữa NAV và chứng chỉ quỹ - nếu số này âm cho thấy ccq ETF kém hấp dẫn và NĐT sẽ bán ccq để thu tiền về) liên tục trong suốt tuần qua, tuy nhiên mức discount của ccq VNM cũng đã giảm từ mức -2,01% còn -0,87% vào cuối tuần. Giá trị tài sản ròng của VNM giảm hơn 36 triệu USD trong tuần qua, còn 584,4 triệu USD, trong đó danh mục cổ phiếu Việt Nam chiếm 69,93% NAV.
CCQ VNM có discount liên tục trong tuần qua
Trong khi đó, số chứng chỉ quỹ của quỹ FTSE Vietnam ETF không đổi trong tuần qua, tuy nhiên mức discount của FTSE lên tới 3,59%, giá trị tài sản ròng đạt gần 406 triệu USD.