TTCK giảm sâu, nhà đầu tư mất niềm tin ồ ạt bán tháo. Ảnh minh hoạ
Khi niềm tin đổ vỡ: 3 tuần VN Index mất gần 100 điểm
Theo thống kê, từ ngày 29/7 đến 24/8, tức là chỉ trong vòng hơn 3 tuần đầu tháng 8, VNIndex đã giảm tổng cộng 97,77 điểm.
VNIndex giảm sâu gợi nhớ sự kiện Hải Dương 981. Hiện VN Index chỉ cao hơn 13 điểm so với thời điểm xảy ra sự kiện giàn khoan năm 2014.
Phiên giao dịch ngày 24/8 được coi là "Black Monday” khi tâm lý tháo chạy bao trùm toàn thị trường. Hàng loạt các mã cổ phiếu lớn: VCB, VNM, BID, SSI, BVH, CTG, KDC, PVD, GAS…giảm sàn hàng loạt bất chấp những kết quả kinh doanh cũng như tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Kết thúc phiên, VNIndex giảm 29,37 điểm xuống còn 526,93 điểm, tương đương 5,27%; HNX-Index đứng ở mức 73,09 điểm, tức giảm 4,51 điểm (5,81%).
Trên thị trường, nhà đầu tư bán bằng mọi cách bất chấp tài khoản bị "lỗ nặng". Đó đã phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào chứng khoán. Một khi niểm tin không còn, điều mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là "những cuộc tháo chạy kinh điển khỏi chứng khoán” và sự tụt dốc thê thảm của các chỉ số
Theo thống kê, với sự lao dốc mạnh của chứng khoán phiên 24/8, vốn hóa của VNIndex đã bốc hơi gần 56.600 tỷ đồng, HNX Index mất gần 18.400 tỷ đồng.
Riêng khối ngoại, với tỷ lệ sở hữu chiếm 25% vốn hóa thị trường thì tài sản của khối ngoại cũng mất trên 16.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư nội bỏ chạy thì nhà đầu tư nước ngoài sau đã bất ngờ quay trở lại mua ròng 182 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng rằng đáy của VNIndex đã được xác lập và thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại.
VNIndex đã chính thức phá đáy 8 tháng, mọi thành quả tích luỹ của 8 tháng đầu năm đã bị cuốn trôi.
Nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thiếu kiến thức căn bản về TTCK
Có ý kiến cho rằng bản chất của TTCK là các con sóng lúc lên cao khi xuống thấp. Cổ phiếu phải có lao dốc thì mới có lên dốc và điều quan trọng là tâm lý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong những ngày này. Liệu có hay chăng việc nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những luồng thông thông tin bất lợi quốc tế?
Trao đổi với NDH, ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc) nhận định TTCK Việt Nam mặc dù đã trải qua 15 năm phát triển nhưng vẫn còn rất non trẻ, một khi có một hay vài thông tin bất lợi trên thế giới là thị trường cổ phiếu giảm sâu bất chấp các diễn biến kinh tế trong nước vẫn ổn định.
Ông Yun Hang Jin khuyên nhà đầu tư Việt Nam hãy vững vàng tâm lý hơn
Theo ông Yun vì TTCK Việt Nam đang sở hữu một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân trong khi các quỹ đầu tư chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên khi có thông tin xấu sẽ hình thành một làn sóng cùng bán hoặc cùng mua.
Các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu đầu tư chứng khoán theo tâm lý bầy đàn là chính, người ta bán thì mình cũng bán, người ta mua thì mình cũng mua. Bất chấp tình hình doanh nghiệp có làm ăn tốt hay không, chính sách, kinh tế vĩ mô có ổn định.
"Nhà đầu tư cá nhân Việt thiếu những kiến thức phân tích, nhận định về TTCK. Sự kém hiểu biết cộng với tâm lý bất an luôn coi TTCK chỉ là một cuộc chơi, kiếm tiền ngắn hạn nên mức độ rủi ro khi thị trường đón tin xấu là rất lớn”, ông Yun nhận định.
Theo đó, ông Yun cho biết, tại Hàn Quốc những năm 1980 cũng đã trải qua một thời kỳ giống như TTCK Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã đi qua giai đoạn đó, ngày nay trong TTCK nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng rất nhỏ, còn lại chủ yếu là một số quỹ đầu tư chính. Chính vì vậy khi có tin xấu tác động tâm lý họ vẫn rất vững vàng.
Về nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc, ông Yun khẳng định các nhà đầu tư nhỏ này mặc dù hoạt động đơn lẻ nhưng nhiều khi họ còn đưa ra những nhận định, phân tích khôn ngoan không thua kém gì so với các quỹ đầu tư. Bởi trước khi tham gia các nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc đều đã tham gia các lớp học đào tạo đầu tư chuyên nghiệp.
Khi có một luồng thông tin xấu ảnh hưởng đến cổ phiếu nắm giữ, các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể gọi điện đến cơ quan chức năng để có lời giải đáp ngay lập tức. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân Việt Nam để làm được điều này cũng rất khó bởi không phải cơ quan nào cũng sẵn sàng trả lời.
"Muốn TTCK Việt minh bạch cần phải có những chế tài nghiêm minh về việc công bố thông tin, báo cáo tài chính để nhà đầu tư cá nhân có cơ sở chính xác từ đó đưa ra chiến lược đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư không phải tìm những nguồn thông tin không chính xác để rồi bất an, bán tháo mỗi khi có tin xấu tác động”, ông Yun chia sẻ.
Theo đó ông Yun Hang Jin khuyên nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nên sàng lọc thông tin, ổn định tâm lý và nên có chiến lược đầu tư dài hạn với những mã cổ phiếu tốt khi thị trường lao dốc chứ không phải bán tháo "chạy thoát thân” như những gì xảy ra ngày 24/8 vừa qua.
Khi nào VNIndex ngừng rơi?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư CTCK Maritime Bank (MSBS): Áp lực bán đang tăng mạnh ngay cả khi chốt biên giao dịch ngày 24/8. Đặc biệt, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trước thông tin FED đang chuẩn bị lộ trình tăng lãi suất và một số quỹ đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi Việt Nam.
Mặc dù VNIndex đã giảm gần 30 điểm về mức 526, 93 điểm nhưng nhà đầu tư không nên bắt đáy vào lúc này mà cần đợi thị trường ổn định và các thông tin tích cực hơn thì mới bắt đáy mua vào. Nhà đầu tư nếu có mua vào cũng không nên dùng margin vào thời điểm này.
VNIndex đang tiệm cận vùng 500- 515 điểm và đây được kỳ vọng sẽ là "điểm tựa" giúp thị trường ngừng rơi!