Trước thềm ĐHĐCĐ Phương Nam: Còn nhiều vấn đề bất đồng

(NDH) PNC sẽ một lần nữa tổ chức ĐHĐCĐ để xin thông qua các tờ trình trước đó đã bị phủ quyết bởi hơn 61% tổng số cổ phần có quyền biểu. Nhóm cổ đông sở hữu gần 19% vốn PNC đã đề xuất xem xét bãi nhiệm toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát hiện tại của công ty.

Ngày 2/10, trong khi bộ phim đình đám có sự tham gia của Phương Nam Film, một công ty thành viên của PNC, chính thức được công chiếu thì tại chính PNC một sự kiện quan trọng khác cũng chuẩn bị được diễn ra.

ĐHĐCĐ thường niên 2015: Căng thẳng!

Ngày 17/6/2015, CTCP Văn hóa Phương Nam (mã PNC-HoSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 lần thứ 2 với sự tham gia của 93,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Mặc dù không bất thành vì số lượng cổ đông tham dự như lần một nhưng đây lại là một trong những đại hội hiếm hoi bất thành bởi toàn bộ các nội dung tờ trình đều không được thông qua.

Hơn 61% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã không tán thành với mọi tờ trình.

Hàng loạt các vấn đề đã được các cổ đông đưa ra thảo luận, mổ xẻ trong kỳ đại hội này. Đáng chú ý nhất là vấn đề có hay không việc PNC đã thoái phần vốn góp 20% tại Liên doanh Rạp chiếu phim Megastar, nay đã đổi tên thành là CGV Việt Nam.

Vấn đề giữ PNC - CJJ - CJ đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí thời điểm đó. Đại diện của PNC tại Đại hội và sau đó thông qua thông cáo báo chí chung giữa Công ty Envoy Media Partners (EMP) và PNC được phát ra một tháng sau đó đã khẳng định tỷ lệ vốn góp của PNC tại Công ty TNHH CJ CGV VN vẫn là 20%.

Cũng tại Đại hội, cổ đông PNC cũng đặt ra câu hỏi về tính chính xác của BCTC năm 2014. Hai năm liền trước, PNC đều báo lỗ. Cổ đông đặt ra nghi vấn năm 2012 lỗ 19 tỷ, năm 2013 lỗ 24,9 tỷ, năm 2014 lời 2,4 tỷ nhưng chưa biêt đã hạch toán đủ hay không?

Tuy nhiên, kiểm toán DTL sau đó đã khẳng định Báo cáo kiểm toán được thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định pháp luật. Cổ đông cũng phản ánh rằng tình hình kinh doanh 2 quý đầu năm 2015 đang lỗ. Kế hoạch kinh doanh trình các cổ đông lên tới 10 tỷ đồng khả năng sẽ khó thực hiện.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Hoạt cho rằng mục tiêu kế hoạch năm 2015 hoàn toàn có thể đạt được với những giải pháp củng cố hoạt động nhà sách, tăng cường kinh doanh bản quyền, triển khai hợp tác với Bitex và nhiều hoạt động khác.

Vào tháng 1/2015, CTCP XNK Bình Tây (Bitex ) cho biết sẽ mua vào 10 triệu cổ phiếu do CTCP Văn Hóa Phương Nam (PNC) phát hành mới, qua đó sở hữu 47,5% VĐL của PNC sau khi phát hành (210,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, cũng chính kế hoạch phát hành này cũng là một trong những vấn đề nổi cộm được các cổ đông thảo luận tại Đại hội đồng thời cũng là vấn đề cho thấy đang có sự mâu thuẫn cao độ trong nội bộ PNC.

Bitex: “Đổ bộ” vào CTCP Văn Hóa Phương Nam?

Phó Chủ tịch HĐQT PNC, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh tại Đại hội cho biết đã nhận được sự ủy quyền của nhóm cổ đông chiếm 61% cổ phần tham dự không đồng ý tiếp tục ủy quyền cho HĐQT trong việc phát hành 10 triệu cô phiếu riêng lẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh không phải là một gương mặt xa lạ trên TTCK Việt Nam. Ngoài tham gia HĐQT PNC, ông hiện đang đảm nhận vị trí thành viên HĐQT của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) và là Phó chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp sách hàng đầu, Alpha Books.

Hơn 61% cũng là tỷ lệ không tán thành của tất cả các nội dung được trình Đại hội hôm đó.

Tiếp tục còn nhiều vấn đề cần thống nhất

ĐHĐCĐ bất thường được tổ chức cách Đại hội trước 3 tháng rưỡi. Danh sách các tờ trình Đại hội cũng vì thế mà thêm hàng loạt các tờ trình mới.

Đáng chú ý, một nhóm cổ đông ( sở hữu 18,65% tổng số cổ phần phổ thông) đã đề xuất thêm các nội dung xem xét việc bãi nhiệm các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2012 – 2017, Sửa đổi bổ sung Điều lệ Công ty hiện hành (được Đại hội đồng Cổ đông thông qua ngày 27/06/2015).

Công ty kiểm toán cũng được nhóm cổ đông này đề xuất chọn đơn vị kiểm toán mới thay cho đơn vị kiểm toán hiện tại là công ty TNHH kiểm toán DTL.

Ngoài ra, HĐQT trình và xin ý kiến cổ đông không tiếp tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Quyết định này cũng chỉ mới được HĐQT thông qua gần đây, vào ngày 23/9 do phương án phát hành đã hết hiệu lực thực hiện.

Phương án phát hành 10 triệu cổ phần này thực tế đã được thông qua từ năm 2011. Theo phương án ban đầu, PNC chào bán 10 triệu cổ phần cho Cty TNHH Truyền thông Megastar (MSM, nay là CGV Việt Nam) hoặc đơn vị do công ty này ủy thác.

Trong hợp đồng, MSM được quyền chọn mua 9,664 triệu cổ phần PNC phát hành. Tuy nhiên, MSM chỉ mua 515.000 cổ phần. Phần còn lại đã được PNC chào bán cho nhiều đối tác, trong đó có Bitex nhưng cuối cùng không thành công.

Các tờ trình trước đó như Báo cáo kết quả kinh doanh 2014, kế hoạch năm 2015, lựa chọn công ty kiểm toán.. không thay đổi so với trước đó. Việc không thống nhất được công ty kiểm toán đã khiến PNC đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể cung cấp báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm và bị Sở GDCK Tp.HCM nhắc nhở tới lần thứ 2.

Megastar là doanh nghiệp liên doanh giữa PNC là EMP với vốn pháp định ban đầu là 4 triệu USD, trong đó EMP góp vốn 80% và PNC góp 20%.

Năm 2006, Megastar tăng vốn điều lệ, PNC không thể góp thêm vốn nên đã bán quyền góp vốn cho EMP. Đổi lại, EMP sẽ thanh toán cho PNC 400.000 USD với điều kiện cơ quan nhà nước chấp thuận.

Tuy ĐHĐCĐ thông qua nhưng cơ quan nhà nước lại không chấp thuận khiến thỏa thuận chuyển quyền góp vốn không thể thực hiện được. PNC vẫn có quyền hợp pháp tiếp tục nắm giữ 20% vốn điều lệ của Megastar.

Megastar sau đó đã đổi tên thành CGV Việt Nam do 92% vốn EMP đã được sang tên Công ty CJ CGV Hàn Quốc. Còn về khoản vay 7 triệu USD, EMP thông qua Tập đoàn CJ đã giới thiệu CJI để PNC vay một khoản nợ 7 triệu USD với lãi suất 4%/năm nhưng khoản tiền này đơn thuần là khoản tiền vay mà không phải là việc chuyển nhượng vốn góp.