Trước quyết định của FED, nước ngoài rút vốn mạnh

Trước quyết định của FED, nước ngoài rút vốn mạnh

(NDH) Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian gần đây đang tạo nên những tín hiệu bất ổn trên thị trường. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 ngày đầu tháng 12, NĐT nước ngoài đã bán ròng với mức tương đương tháng 11.

Mặc dù trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, tăng trưởng GDP cao nhất 5 năm, ước đạt 6.5%, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 3%. Đặc biệt, năm 2015 là năm VN đánh dấu những bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các khu vực kinh tế quan trọng như TPP, FTA, AEC…

Tuy nhiên, sau giai đoạn thăng hoa ngắn ngủi từ giữa năm vốn ngoại đang có xu hướng bán ròng mạnh thời điểm cuối năm. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 ngày đầu tháng 12, NĐT nước ngoài đã bán ròng với mức tương đương tháng 11 với mức bán ròng trên 524 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Xu thế bán ròng trong thời gian gần đây mạnh hơn hẵn so với chu kỳ cuối năm (giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12). Năm 2014 với mức 784 tỷ đồng thì năm 2015, chỉ mới qua đầu tháng 12, mức bán ròng đã ở mức 1.078 tỷ đồng.

Quan sát nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm cho thấy, NN có xu hướng mua ròng khi thị trường giảm và bán ròng khi thị trường tăng. Nhưng động thái của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây là hoàn toàn ngược lại. Mặc dù chỉ số Vn index đã giảm khá nhiều và nhiều cổ phiếu đã quay về ngưỡng hỗ trợ, Tuy vậy NĐT NN lại tiếp tục bán ròng mạnh thay vì mua vào là điều khiến nhà đầu tư trong nước hết sức lo lắng.

Đánh giá về tình hình bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đôi với thị trường chứng khoán trong nước, chuyên gia chứng khoán ông Nguyễn Hồng Điệp, cho rằng hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thời gian gần đây là hành động mang tính chu kỳ mỗi khi đến thời điểm Fed tăng lãi suất, và việc này cũng dễ hiểu vì nhà đầu tư nước ngoài luôn phản ứng trước thị trường.

Ông Điệp cũng cho rằng rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất vào ngày 17/12 tới. Tuy nhiên, Ông cũng đưa ra kỳ vọng thị trường sẽ tăng trở lại sau khi Fed tăng lãi suất và cho rằng thị trường sẽ được “cởi trói” do tâm lý đồng thời việc Fed tăng lãi suất cũng đã được phản ánh vào giá trên thị trường trước đó.

Nước ngoài gia tăng bán ròng gần thời điểm Fed tăng lãi suất

Cẩn trọng không thừa

Trên thị trường thế giới, giới đầu tưtoàn cầu cũng đang xu hướng rút vốn mạnh khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu của khối mới nổi. JPMorgan Chase & Co. cho biết, dòng vốn bị rút khỏi các nước đang phát triển lên tới 120 tỷ USD trong quý II/2015, trong quý III/2015 ước tính dòng vốn tháo chạy khỏi 2 tài sản này có thể lên tới 40 tỷ USD. Phải chăng, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi viễn cảnh Fed nâng lãi suất đang rõ ràng hơn lúc nào hết?

Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng hành động rút vốn ồ ạt thể hiện sự lo ngại đáng kể về tình hình kinh tế không mấy sáng sủa của các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước phát triển tăng mạnh khiến dòng tiền có xu hướng quay trở lại các nền kinh tế mạnh như Mỹ, Châu Âu để trú ẩn.

TS. Đinh Thế Hiển nhận định khá bi quan, “dưới cặp mắt của nhà đầu tư nước ngoài họ đang theo dõi nền kinh tế Việt Nam rất cẩn trọng. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang gặp phải những khó khăn rất lớn từ nợ công và tỷ giá”.

Theo thống kê Hải Quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2015 đã thâm hụt ở mức 3.78 tỷ USD, kết hợp với việc đồng đô la tăng do Fed tăng lãi suất được đánh giá là sẽ gây áp lực lên tỷ giá rất lớn.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích nhận định, với việc đồng đô la Mỹ tăng mạnh, khi Fed tăng lãi suất thì người đi vay sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ cũ, những nước có nợ vay bằng USD cao, neo tỷ giá sẽ chịu tác động lớn nhất. Dẫn chứng từ cuộc khủng hoảng vào năm 1997, hầu hết đồng tiền các nước mới nổi neo tỷ giá, điều này kích thích nợ bằng đồng USD và khiến dự trữ ngoại hối suy giảm mạnh.

Theo ngân hàng thế giới thì nợ công Việt Nam đã lên tới mức 110 tỷ đô la Mỹ, chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách. Việc chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ đô la Mỹ ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu các khoản vay trong nước khiến những quan ngại về xu hướng nợ nước ngoài gia tăng trở lại

Thị trường đã giảm khá mạnh, giá cổ phiếu đã về mức hấp dẫn nhưng với sức ép do hiệu ứng “kép” từ việc Fed nâng lãi suất tạo nên. Sức hấp dẫn và sự an toàn của đồng USD đang được khối ngoại ưu tiên hơn do những mối lo về tình hình kinh tế Việt Nam. Do đó, sự thận trọng là điều không thể “ngó lơ” đối với các nhà đầu tư nội.