Trung Quốc: Dùng chứng khoán để cứu rủi ro tín dụng

Trung Quốc: Dùng chứng khoán để cứu rủi ro tín dụng

(NDH) Các doanh nghiệp Trung Quốc đang dùng thị trường chứng khoán để khắc phục khó khăn tín dụng chưa từng có hiện nay.

Các quan chức vừa phát hiện tình hình vay nợ của những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã lên mức cao nhất từ trước tới nay. Ngày càng có nhiều các công ty Trung Quốc sử dụng thị trường chứng khoán như là nguồn tài chính để trả nợ và đầu tư.

Theo tập đoàn UBS Group, từ đầu năm 2015 đã có 82 tỷ USD cổ phiếu được phát hành trên thị trường. UBS cũng dự đoán rằng con số này sẽ lên tới 161 tỷ USD vào tháng 12/2015. Trong đó, khoảng 10 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Trung Quốc thu được qua các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Tổng giá trị phát hành cổ phiếu lần đầu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

4,4 nghìn tỷ USD vào thị trường vốn Trung Quốc, các nhà đầu tư hiện đang ngày càng hứng thú với những cổ phiếu mới trên sàn này. Trong khi lần đầu tiên một công ty quốc doanh của Trung Quốc, Kaisa Group, bị vỡ nợ tại quốc gia này thì chính phủ Trung Quốc đã xác nhận rằng việc dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán là một cách hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển chậm nhất từ năm 2009.

Chuyên gia kinh tế trưởn của China Everbright Securities Co , Xu Gao,nhận định hiện các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường chứng khoán đã có thể khai thác những nguồn vốn với chi phí thấp.

Thay đổi kênh thu hút vốn

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải Shanghai Composite Index đã tăng hơn 3% trong phiên 27/4 lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2008.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán tại Trung Quốc vào tháng 3/2015 đã vượt qua tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.

Một ví dụ tiêu biểu là tập đoàn hàng không quốc doanh China Eastern Airlines Corp. Hãng cho biết sẽ phát hành 15 tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu để mua thêm máy bay và trả nợ. Cổ phiếu của hãng đã tăng thêm 10% trên thị trường Thượng Hải sau khi thông báo này được công bố.

Bên cạnh đó là một loạt các tập đoàn như công ty dược phẩm Shanghai Fosun Pharmaceutical Group Co, nhà máy sắt thép Lingyuan Iron & Steel Co,… đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả nợ.

Theo Bloomberg, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã đạt 165% vào tháng 1/2015, mức cao nhất kể từ khi Bloomberg theo dõi chỉ số này vào năm 2005.

Những lo ngại

Theo chuyên gia Liao Qiang của Standard & Poor, diễn biến trên sẽ giúp một số công ty Trung Quốc cải thiện được chi phí đi vay.

Tuy nhiên, trong khi thị trường chứng khoán thương mại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua thì nguy cơ cung vượt cầu tại sàn này ngày càng gia tăng.

Chuyên gia phân tích Lu Wenjie của UBS cho biết rủi ro cung vượt cầu đã gây ra sự sụp đổ của 4 trong 7 thị trường chứng khoán bùng nổ tại Trung Quốc từ năm 1992. Trong phiên 24/4, sàn chứng khoán Thượng Hải đã giảm 2,2% sau khi các nhà hoạch định chính sách cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện IPO.

Theo chuyên gia kinh tế Mole Hau của BNP Paribas, thị trường chúng khoán Trung Quốc còn tồn tại nhiều rủi ro. Ông cho rằng chỉ số P/E quá cao tại thị trường này không phải được hỗ trợ bởi “những nền tảng cơ bản”.

Mặc dù vậy, số vốn thu được thông qua sàn chứng khoán vẫn sẽ giúp đẩy thị trường lớn thứ 2 thế giới. Nguyên nhân là các công ty vẫn sẽ có đủ tài chính để đầu tư phát triển kinh doanh.

Cải cách quy định IPO

Chuyên gia kinh tế Li Miaoxian của Bocom International Holdings Co nhận định việc gia tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng tại Trung Quốc khi Chính phủ đang muốn cải cách quy định IPO.

Hiện chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện các quy định IPO nhằm khiến giá cả và thời gian của quá trình này được định đoạt bởi thị trường hơn là bởi các quan chức quản lý. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp nhằm giới hạn giá trị phát hành IPO, qua đó khiến tổng giá trị phát hành cổ phiếu thấp hơn so với nhu cầu mua của nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Zhao Yang của Nomura Holdings Inc, thị trường chứng khoán là kênh thu hút vốn hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp so với nhũng ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. “Thị trường có thể làm tốt hơn so với chính phủ trong việc nhận định ngành công nghiệp nào có lợi nhuận tốt hơn.”