Tình trạng bong bóng tài sản có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chắc chắn đây thường là một tác dụng phụ trong quá trình chuyển đổi kinh tế thời kỳ khó khăn. Điều này đã xảy ra với nước Mỹ vào cuối thập kỷ 20, khi nước này cố gắng vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế có vị thế số 1 thế giới. Hậu quả là bong bóng tài sản đổ vỡ và cuộc Đại Suy thoái 1930 diễn ra, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội-chính trị Mỹ.
Điều tương tự cũng xảy ra tại Nhật Bản vào thập niên 80 trên thị trường bất động sản và chứng khoán. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, cấu trúc kinh tế này không còn phù hợp khi Nhật Bản trở thành thị trường lớn trên thế giới. Khi bong bóng tài sản đổ vỡ tại Nhật Bản vào năm 1991-1992, kinh tế nước này bước vào thời kỳ khó khăn. Từ đó đến nay, tăng trưởng của nước này luôn trì trệ và đứng trước nguy cơ suy thoái.
Hiện nay, Trung Quốc đang đi theo con đường của chính Mỹ và Nhật Bản khi bong bóng thị trường bất động sản và mới đây là chứng khoán tăng mạnh bất chấp nền kinh tế đang cố gắng tái cân bằng, chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng nội địa.
Quá trình cải cách kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì đụng chạm đến các nhóm lợi ích. Những quan chức địa phương Trung Quốc đã hưởng lợi lớn với chính sách nới lỏng tài chính cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như trong đền bù giải phóng mặt bằng. Các doanh nghiệp quốc doanh đã lãng phí rất nhiều tài nguyên quốc gia do được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và chính sách cho vay của chính phủ. Tại tất cả các khu vực nhà nước, luôn luôn có tình trạng tham nhũng, trong khi việc tự do hóa thị trường, chìa khóa để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế hiệu quả, lại bị kìm hãm do điều này làm xói mòn quyền lợi của chính quyền Bắc Kinh.
Một khó khăn nữa cho tiến trình cải cách tại Trung Quốc là hiệu ứng “tăng trưởng nóng”. Trung Quốc vốn được coi là điều kỳ diệu tại Châu Á với những mức tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm trước đây, và điều này đã tạo áp lực lên chính phủ cũng như người dân nước này. Các nhà lãnh đạo muốn giữ tăng trưởng để cho thấy năng lực lãnh đạo của mình cũng như thể hiện “vị thế” với các nước khác, còn người dân muốn tự hào về kinh tế tiếp tục tồn tại.
Để đạt được sự tăng trưởng như vậy, điều dễ dàng nhất là đổ tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp sản xuất. Hậu quả là bong bóng tài sản tăng mạnh, vay nợ ngày càng nhiều, các ngành sản xuất bị dư thừa cung và nguồn tài nguyên bị lạm dụng một cách lãng phí. Tất cả những gì mà Trung Quốc đạt được là một nền kinh tế “hoành tráng” với những bất cập vô cùng nghiêm trọng.
Rõ ràng, tình hình bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay không bình thường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục hạ lãi suất bất chấp kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế làm giảm đầu tư công, qua đó khiến các nhà đầu tư cá nhân gia tăng các khoản đầu tư dựa vào tín dụng lên gần 85% trong năm nay, đạt mức kỷ lục 400 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh hoạt động không hiệu quả nhưng các ngân hàng vẫn tích cực cho các công ty này cũng như chính quyền địa phương vay vốn. Các quan chức liên tục hối thúc ngân hàng tăng tỷ lệ tín dụng mặc dù biết rằng những khoản vay này sẽ không thể thanh toán đầy đủ. Vậy tại sao chứng khoán vẫn tăng và chưa có điều chỉnh sâu?
Nguyên nhân cho tình trạng trên rất đơn giản. Để có thể đối phó những rủi ro hiện nay, cách tốt nhất là tái cơ cấu vốn các doanh nghiệp nhà nước. Việc thúc đẩy bong bóng tài sản khiến biện pháp này trở nên dễ dàng và “rẻ” hơn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thiết lập tiếp cận dễ dàng hơn với cổ phiếu trong nước, đặc biệt là cổ phần của các doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi vốn của chính phủ đang thoái dần khỏi thị trường, nhà đầu tư nước ngoài lại tăng cường đầu tư vào.
Những cuộc tranh luận gần đây về việc cổ phiếu của các doanh nghiệp đại lục Trung Quốc có nên được cho vào chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi hay không, cho thấy ngày càng có các yếu tố mới thu hút nhà đầu tư. Bằng phương pháp này, chính quyền Bắc Kinh có thể dễ dàng đối phó với những rủi ro hiện nay hơn khi chuyển đổi mô hình kinh tế.
Hàng loạt vụ bê bối gần đây trên thị trường tài chính đã cho thấy thất bại trong việc thực thi luật chứng khoán nhằm đảm bảo tính minh bạch. Đây là bằng chứng cho thấy sự xung đột và trao đổi lợi ích cũng như lạm dụng quyền sở hữu trong các công ty quốc doanh. Khi các công ty Trung Quốc tăng vốn, những bất cập trên sẽ ngày càng mở rộng và đến một mức độ nào đó, sẽ lây lan sang những doanh nghiệp khác. Cuối cùng, chính những nhà đầu tư sẽ phải hứng chịu thiệt hại này.
Cho đến hiện tại, khả năng đổ vỡ bong bóng tài sản vẫn chưa được các nhà đầu tư Phương Tây quan tâm đúng mức, họ cho rằng chính lượng tiết kiệm nội địa lớn đã thúc đẩy tình trạng này. Nhưng tình hình đã dần thay đổi khi ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài cho thấy yếu tố thúc đẩy bong bóng tăng tiếp như hiện nay có thể không còn do nhà đầu tư trong nước. Hơn nữa, việc tăng cường tự do hóa thương mại và nhiều công ty Trung Quốc phát hành cổ phiếu tại nước ngoài sẽ làm lây lan rủi ro trên sang các quốc gia khác.
Theo Financial Times, chắc chắn Trung Quốc không phải là một cơ hội an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bong bóng bất động sản nước này đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ và sự tăng giá của chứng khoán hầu như mang tâm lý bầy đàn. Nhiều nhà đầu tư đã cảm thấy có gì đó “không đúng” nhưng không có nhiều người chịu rút ra khỏi thị trường. Lý do là ai cũng cho rằng mình sẽ hiện thực hóa lợi nhuận kịp thời tước khi thị trường bất ngờ đi xuống.