Từ nông dân đến giới kinh doanh, từ sinh viên cho đến các cụ già đều muốn có một tài khoản chơi chứng khoán vào lúc này. Lu Tingbo, sinh viên trường Đại học Peking, nói: "Để có tiền chơi chứng khoán, em đã vay từ bố mẹ, người thân và bạn bè. Đến giờ nó đã sinh lời 650%".
Theo thống kê của Bloomberg, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt kỷ lục mới, lên tới hơn 10.000 tỷ USD chỉ trong vòng 1 năm. Các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm mạnh mẽ, mức sinh lời cao hơn bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Ông An Wei - chuyên gia phân tích, CTCK Trung Quốc - nhận xét: "Một trong những dòng tiền chảy vào chứng khoán nhiều nhất là từ thị trường bất động sản. Không chỉ các cá nhân mà các quỹ đầu tư cũng ồ ạt đổ tiền vào thị trường trong nhiều tháng trở lại đây".
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là theo một khảo sát của trường Đại học Kinh tế và Tài chính Tây Nam Trung Quốc, có tới 2/3 các nhà đầu tư mới trong năm ngoái là những người chưa tốt nghiệp cấp 3. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu thị trường quay đầu giảm điểm trở lại, những nhà đầu tư này sẽ gánh chịu hậu quả đầu tiên.
Có hay không "bong bóng chứng khoán" ở Trung Quốc?
Các chuyên gia đang lo sợ về "bong bóng chứng khoán" sắp vỡ ở Trung Quốc bởi quy mô thị trường tăng nhưng vay nợ chứng khoán ở Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn bất cứ thị trường nào khác. Tính từ đầu năm đến nay, số tiền vay mua chứng khoán hiện đã tăng thêm 300% so với năm trước.
Các công ty chứng khoán hô hào nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để tăng doanh thu, bất chấp những quy định của pháp luật. Tỷ lệ vay trên số tiền ký quỹ rất lớn, thậm chí với nhiều khách hàng là không có giới hạn. Nhiều trang web cho vay tiền cũng tranh thủ cơ hội này cho nhà đầu tư vay với lãi suất cao gấp 3 lần so với mức bình thường.
Hàng loạt công ty chứng khoán vi phạm cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính
Goutai Junan là một trong những công ty chứng khoán lớn vừa bị Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc xử phạt.
Theo quy định, những khách nào đã vay tiền ký quỹ để mua chứng khoán, khi hết hạn hợp đồng phải được đánh giá lại những rủi ro mới được cho vay tiếp. Tuy nhiên, Goutai Junan và nhiều công ty chứng khoán lớn khác đã vi phạm nguyên tắc này khi tiếp tục cho các nhà đầu tư vay mà không cần đánh giá lại. Những hành động này của các công ty chứng khoán có thể gây nguy hiểm cho thị trường.
Sau khi bị phát hiện, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã xử phạt những công ty chứng khoán này và yêu cầu không được mở thêm tài khoản mới trong 3 tháng.
Ước tính, hoạt động cho vay ký quỹ đã mang về 40 tỷ Nhân dân tệ (tương gần 140.000 tỷ VND) mỗi năm cho các công ty chứng khoán. Chính vì vậy, mặc dù các công ty chứng khoán đã hứa không tái phạm những lỗi trên nhưng không ai dám chắc rằng họ sẽ bỏ qua miếng mồi ngon này một cách dễ dàng.
Sự đổ vỡ đối với từng doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện
Một dấu hiệu khác không thể bỏ qua là sự đổ vỡ đã bắt đầu diễn ra ở các doanh nghiệp có cổ phiếu tăng đột biến trong thời gian qua. "Bốc hơi" 19 tỷ USD chỉ trong vòng 24 phút, cái tên Hanergy đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư. Đó là vào hôm 19/5, chỉ chưa đầy 30 phút giao dịch, cổ phiếu này bỗng dưng lao đốc không phanh, mất 47%.
Trước đó, giá cổ phiếu này đã tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng 8 tháng, giúp cho vị Chủ tịch của công ty này trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cho biết, công ty này hiện đang ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, lý do thực sự của cơn hoảng loạn nói trên vẫn còn là bí ẩn. Hiện, Ủy ban Chứng khoán và tương lai Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ việc, song điều đáng lo ngại hơn: trường hợp của Hanergy được coi là khởi đầu cho sự đổ vỡ dây chuyền. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng "bong bóng".
Nguy cơ vỡ "bong bóng" ở các doanh nghiệp
Tăng 450% chỉ trong vòng 2 tháng, trong khi hoạt động kinh doanh không mấy cải thiện, cổ phiếu của Goldin Properties Holdings đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn mua trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Thế nhưng, các nhà quản lý Trung Quốc mới đây đã kêu gọi các nhà đầu tư hết sức thận trọng khi muốn giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp này khi chúng chủ yếu đang nằm trong tay một nhóm cổ đông, khiến cổ phiếu rất dễ "bốc hơi" bất cứ lúc nào. Đồng thời, tiếp tục khuyến cáo các nhà đầu tư nên tránh xa các công ty có định giá cao hơn so với kết quả kinh doanh thực tế.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp cùng người thân của họ đã bán ra hàng tỷ cổ phiếu khi giá các cổ phiếu lên cao. Theo thống kê của Bloomberg, đã có gần 3.000 tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ trong 3 tuần qua. Hiện nay, các nhà quản lý Trung Quốc đang tiến hành điều tra trên diện rộng việc có hay không hành vi thao túng giá khiến thị trường bất ngờ lao đốc không phanh trong những ngày qua.