[Trực tiếp] Tọa đàm: Nới room - Đón cơ hội, nhận thách thức từ dòng vốn ngoại

(NDH) Việc đánh giá những tác động đa chiều, lợi ích tích cực cũng như nhận diện rủi ro từ việc tăng dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán sẽ được nhìn nhận ra sao?

Chiều nay (7/8), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với nội dung: "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”.

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể được nắm tới 100% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

PV: Nghị định 60 sẽ mở room 100% cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Long (Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước): Việc nới room được thực hiện theo nhóm các DN đang niêm yết trên TTCKVN. Đối với các DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh đã cam kết theo quy ước quốc tế. DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện có quy định về sở hữu nước ngoài sẽ có hạn chế.

DN không thuộc cả hai nhóm nhành nêu trên thì NĐTNN có thể sở hữu 100% VĐL của DN niêm yết trong điều kiện doanh nghiệp đó cho phép.

Mở room sẽ cải thiện tính thanh khoản, giúp DN thu hút vốn. Việc nới room là phù hợp bối cảnh hội nhập và là lộ trình tất yếu khi phát triển thị trường chứng khoán, làm lành mạnh dần hệ thống tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Long

PV: Ông nghĩ như thế nào về thời điểm ra đời của Nghị định 60?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Sự ra đời của Nghị đinh 60 này được coi là bản chào hàng đẹp nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, mới đây đoàn đại biểu Việt Nam đã sang thăm Hoa Kỳ và tại đây các nhà đầu tư này đã đón nhận rất hồ hởi.

Xét về thực tế, rất nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam được ra đời gắn với 3 câu chuyện đó là làm sao cho môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Gắn với hội nhập sâu sắc. Thứ 3, văn bản phải tương thích môi trường kinh doanh, giữa các lực lượng thị trường, tiến tới hình thành một thị trường hiện đại, đầy đủ.

Về thời điểm, Nghị định 60 ra đời rất hợp lý, đúng thời điểm VN đang hội nhập sâu rộng, góp phần vào bước chuyển mình của cải cách VN, phù hợp với xu thế của thế giới.

Tuy nhiên mở cửa thị trường tài chính có nhiều rủi ro, sự đảo chiều dòng vốn. Tuy nhiên, giám sát tài chính đã ở mức ổn định mặc dù hệ thống ngân hàng còn nhiều vấn đề.

Tinh thần hội nhập, thời điểm đẹp, thông điệp rõ ràng, cải cách VN dù khó khăn

Tiến sĩ Võ Trí Thành

PV: Bao giờ có thông tư hướng dẫn?

TS Nguyễn Thành Long: Theo chỉ đạo của bộ trưởng bộ tài chính, hiện tại đã hoàn tất các thông tư hướng dẫn. Thứ 5 tuần tới UBCKNN tổ chức hội thảo để cung cấp cho các thành viên thị trường, tổ chức phát hành biết các quy định. Các thông tư hướng dẫn sẽ sớm có trong thời gian tới.

Quyết định 51 thể chế hóa qua nghị định 60 đã giải tỏa hai vấn đề căn bản, tác động tới bên cung và bên cầu trên thị trường chứng khoán.

Bên cung chứng khoán đã được mở rộng nhờ gia tăng thêm các DNNN cổ phần hóa. Hơn nữa các doanh nghiệp này phần lớn là DN lớn và có tiềm năng. Thị trường chứng khoán gia tăng cung cổ phiếu có chất lượng. Trong khi đó, bên cầu của thị trường cũng được khơi thông dòng vốn.

Thông qua Nghị định 60, thị trường có thêm lượng để hấp thụ, giải tỏa cung cầu. Nghị định 60 giúp lan tỏa hiệu ứng về cổ phần hóa.

Hiệu ứng tác động đồng thời được nhân lên nhờ thị trường chứng khoán. Hệ thống tài chính dựa trên hai trụ cột gồm kênh tài chính qua ngân hàng và kênh tài chính trực tiếp qua TTCK. TTCK sau nhiều năm hoạt động đã trở thành kênh phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Khi các doanh nghiệp hoạt động tốt, công bố thông tin minh bạch, nguồn vốn sẽ sẵn sàng chảy tới.

Dòng tiền trên TTCK là dòng tiền thông minh. TTCK đã gia tăng trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa đối với công ty, tách bạch giữa vai trò cổ đông và vai trò quản lý điều hành. Hệ số mà TTCK nhân lên sẽ tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Ông có thể cho biết một vài kich bản tháo gỡ?

Ông Lê Anh Tuấn: Rào cản lớn mà nhà đầu tư hiện nay phàn nàn là các báo cáo tài chính, tài liệu doanh nghiệp…đều phổ biến bằng tiếng Việt và rất ít có niêm yết cả bằng tiếng Anh. Như vậy, muốn đầu tư thì nhà đầu tư ngoại phải tự tìm hiểu.

Câu hỏi đặt ra ở đây là sự bình đăng NĐT nước ngoài chưa được đánh giá đúng vai trò.

Thứ hai, quyền sở hữu DNNN vẫn cao, bảo vệ lợi ích nhỏ lẻ vẫn chưa tốt.

Về hệ thống kế toán kiểm toán chúng ta vừa có Thông tư 200, điều này rất tốt, góp phần phổ cập theo các quy định quốc tế giúp bình đẳng cho các nhà đầu tư.

PV: Theo lộ trình cổ phần hoá DNNN, 2015-2017 chúng ta phải hoàn thành cổ phần hoá có 340 DN. NĐ 60 có tác động như thế nào đến quá trình này?

TS Võ Trí Thành: Cổ phần hoá DNNN có vai trò quan trọng, CPH không phải là tất cả nhưng rất quan trọng, Mục tiêu tham vọng IPO 342 doanh nghiệp chưa đạt được kỳ vọng.

Một cái mẹo của NĐ 60 này có tác động mạnh vào tính thanh khoản của thị trường, có thanh khoản trên thị trường thứ cấp thì IPO các DNNN sẽ được đẩy mạnh hơn. Đây là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, đằng sau đó là nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, trang bị công nghệ kỹ thuật cao, năng suất lao động.

Hiện nay, nhiều DNNN của Việt Nam đang có sự hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, Nghị định 60/2015/NĐ-CP bổ sung Điều 2a quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Trường hợp pháp luật về cổ phần hóa không có quy định, tỷ lệ này thực hiện theo quy định tương ứng như trên.