Sáng ngày 26/5, Petrolimex đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015 với sự tham gia của 251 cổ đông, đại diện cho 99,15 % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Sẽ không chi trả cổ tức 2014, kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 660%
Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2015, Tổng giám đốc Petrolimex đã có báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014.
Theo đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu của tập đoàn bị tác động mạnh bởi diễn biến bất thường của giá dầu thế giới. Với việc giá dầu giảm sâu trong quý IV cùng với việc áp dụng tính giá cơ sở 15 ngày của Nghị định 83 đã làm phát sinh lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh xăng dầu cuả Tập đoàn do liên tục phải bán xăng dầu ở mức giá thấp trong khi mua ở giá cao.
Được biết, riêng công ty Petrolimex Singapore làm cho kết quả kinh doanh năm 2014 của công ty này phát sinh lỗ lớn. Trong 11 tháng đầu năm 2014 công ty con tại Singapore lỗ khoảng 14,82 triệu USD. >> Xem thêm
Do vậy, Petrolimex đã không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ thường niên đã thông qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến Petrolimex không thực hiện chi trả cổ tức năm 2014 như kế hoạch đề ra (8-10%).
Các mảng hoạt động khác của Tập đoàn như dầu mỡ nhờn, bảo hiểm, gas, nhiên liệu bay, vận tải…tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả khả quan.
Cụ thể, sản lượng xăng dầu bán ra năm 2014 của Petrolimex đạt 9.833 nghìn m3, tấn tăng 5,5%. Doanh thu hợp nhất đạt 206.781 tỷ đồng, tăng 6% so với 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 322 tỷ đồng, giảm tới 84% so với mức 2.021 tỷ đồng năm 2013. Sau khi hạch toán các khoản thuế và chi phí kinh doanh, Petrolimex lỗ gần 9 tỷ đồng.
Năm 2015, giá dầu thế giới còn nhiều diễn biến khó lường và dự báo khó có khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Trong khi đó, kinh tế trong nước dự báo có nhiều khả năng trở lại thời kì tăng trưởng với dự báo GDP đạt 6,5%; CPI tăng khoảng 5%…
Do vậy, Petrolimex đặt mục tiêu sản lượng dầu xuất bán đạt 10,88 triệu tấn, tăng 2,5%. Doanh thu hợp nhất đạt 154.000 tỷ đồng, giảm 24,5% so với mức 206.781 tỷ đồng của năm 2014.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 760% so với 2014. Công ty phấn đấu mức chia cổ tức tối thiểu 8%. Tổng giá trị đầu tư năm 2015 dự kiến là 891 tỷ đồng.
Đẩy mạnh thoái vốn, dự kiến quý IV hoàn thành sáp nhập PGBank & Vietinbank
Đối với các tổng công ty, công ty cổ phần, TNHH NTV và PGT, Tập đoàn kiên quyết không tăng vốn và trả cổ tức bằng cổ phiếu trừ trường hợp thực sự cần thiết do yêu cầu tái cơ cấu của Chính Phủ…
Đồng thời, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cơ cấu lại doanh nghiệp, hạn chế đầu tư ra ngoài, đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắp tài sản cố định, đặc biệt khối vận tải thủu và nội địa…
Tiếp tục định hướng không mở rộng quy mô, không thành lập mới các công ty con,…từng bước tiến tới mô hình gọn, hiệu quả, tiết giảm chi phí theo đúng định hướng tái cơ cấu của Chính Phủ.
Về công tác tái cấu trúc, Petrolimex xác định sẽ khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn, cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu đối với PJICO, PGBank, PLand theo đúng lộ trình.
Đề án sáp nhập PGBank và Vietinbank đang được triển khai. Lãnh đạo công ty cho biết vào ngày 22/5/2015 vừa qua, hai ngân hàng đã hoàn thành hồ sơ sáp nhập và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2015.
Đồng thời, Petrolimex sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án tái cấu trúc khối các công ty xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Petrolimex sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thành lập 2 Tổng công ty gồm: TCT xây lắp xăng dầu Petrolimex và dịch vụ xăng dầu Petrolimex.
2015 sẽ bán vốn cho đối tác Nhật Bản, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 75%
Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy (JX) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược với Petrolimex và chuẩn bị các công việc cần thiết cho đàm phán để phát hành cổ phiếu bán cổ phần cho JX.
Theo Quyết định số 828/ QĐ- Ttg, Petrolimex sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.700 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 75%.
Hoàn tất quyết toán cổ phần hóa
Tại Đại hội, lãnh đạo công ty báo cáo về việc hoàn tất quyết toán cổ phần hóa. Mặc dù, cổ phần hòa từ cuối năm 2011 nhưng công ty chưa báo cáo quyết toán trong các năm trước.
Theo đó, tổng số vốn nhà nước tại Petrolimex tại thời điểm ngày 01/01/2010 là 10.164 tỷ đồng. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, đến ngày 30/11/2011, vốn nhà nước đạt 9.817 tỷ đồng, còn thiếu là 347 tỷ đồng.
Để đảm bảo quyết toán cổ phần hóa, HĐQT Petrolimex có phương án phát hành tăng vốn để bù lại, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước xuống 75%.
Đại hội bước vào thảo luận
Cổ đông cá nhân đồng thời là CBCNV của Tập đoàn: Doanh thu tương đối ổn định nhưng lợi nhuận trồi sụt từng năm. Độ tin cậy kế hoạch năm 2015 được đảm bảo như thế nào và liệu bao giờ sẽ hết bấp bênh?
Đại diện Petrolimex trả lời: Sau khi Tập đoàn cổ phần hóa, sửa đổi các quy chế, hoạt động của Petrolimex dù theo cơ chế thị trường nhưng vẫn theo Nhà nước.
Tổ chức điều hành của liên bộ tuân thủ theo Nghị định 83, xác định giá xăng dầu tiệm cận theo biến động của thị trường. Vấn đề còn lại là do vận hành của doanh nghiệp và liên quan đến các chi phí, thuế phí.. Các thông tư đều quy định sẽ đánh giá lại mức phí để đảm bảo các DN có lợi nhuận một cách hợp lý.
Ví dụ như, mức chi phí đã được điều chỉnh từ 860 lên 1.050 đồng đối với mặt hàng xăng. Lợi nhuận định mức được đưa vào công thức tính giá. Lợi nhuận sẽ dần dần có được tính ổn định trong bối cảnh chi phí liên bộ đặt ra đủ. Đây là tiền đề để DN xăng dầu cổ phần hóa và niêm yết khi lợi nhuận được ổn định hơn.
Cổ đông hỏi: Bức tranh tài chính mất cân đối lớn với tỷ lệ nợ vay cao?
Lãnh đạo công ty đánh giá tình hình tài chính của Petrolimex sẽ dần ổn định và lành mạnh dù một số thời điểm tỷ lệ nợ vượt quy định nhà nước. Chủ tịch HĐQT của công ty cũng cho biết thêm đặc thù ngành xăng dầu là ngành có tính thanh khoản cao. Về lâu dài, quy định đối với tỷ lệ vay gấp 3 lần không hiệu quả với kinh doanh xăng dầu. Xét về bình diện chung, tình hình tài chính của Petrolimex lành mạnh.
Công ty sắp tới cũng sẽ thực hiện các dự án lớn như Dự án Lọc dầu Nam Thăng Long. Việc bổ sung vốn để thực hiện dự án sẽ thông qua phát hành thêm. Sau QĐ 828, Thủ tướng ban hành nghị định 37, giảm tỷ lệ sở hữu xuống không thấp hơn 65%. Về lâu dài, Petrolimex sẽ phát hành thêm cho cổ đông chiến lược vừa để tuân theo QĐ của nhà nước vừa để bổ sung vốn.
Ngoài xăng dầu, kinh doanh không phải xăng dầu cũng đã chiếm 55% như các mặt hàng gas, hóa dầu, vận tải, đường thủy. Những lĩnh vực này mang hiệu quả lớn cho Tập đoàn đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu đi xuống.
Việc chuẩn bị niêm yết và cổ đông chiến lược hiện nay như thế nào?
Công ty đang gấp rút làm việc với cổ đông chiến lược với tỷ lệ phát hành từ 15-25%, tùy thuộc vào đàm phán. Đối tác Nhật Bản hoạt động cùng ngành nghề, tương đồng với Petrolimex, năng lực tài chính lớn, chiếm 37% thị phần tại thị trường Nhật. Không chỉ nâng cao năng lực tái chính, với sự tham gia đối tác ngoại, công ty kỳ vọng sẽ nâng cao về quản trị.
Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà nước trong vấn đề kinh doanh xăng dầu. Tập đoàn là một trong 12 đơn vị thực hiện đúng các quy định về tồn kho (trong 30 ngày).
Bản thân Bộ công thương cũng đặt ra câu hỏi về việc đặt ra kế hoạch năm 2015 có quá sức và không hoàn thành như năm 2014. Tuy nhiên, sau báo cáo của lãnh đạo Tập đoàn, Thứ trưởng tin tưởng Petrolimex sẽ hoàn thành được kế hoạch đề ra.
Bài học của năm 2014 đối với Petrolimex là cần phải lường trước rủi ro trong biến động khôn lường của thị trường, đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro, đạo tạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Tăng đầu mối xăng dầu, liệu có quá nhanh?
Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Thương Mại với tư cách cổ đông cá nhân đã đặt ra câu hỏi trực tiếp đối với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về việc gia tăng có phần “quá nhanh” về số lượng đầu mối xăng dầu.
Nguyên Vụ trưởng chỉ ra rằng số lượng đầu mối nhập khẩu đã tăng từ 12 lên 21 trong vòng 4 năm. Việc cho tăng thêm đầu mối nhập khẩu sẽ có lợi, hại như thế nào? Đơn vị nhập khẩu xăng dầu cần có điều kiện về quy mô, phương tiện vận tải… Bộ cho nhiều đơn vị tham gia làm đầu mối trong khi không đạt đủ điều kiện sẽ làm rối thị trường, gây ra cạnh tranh không lành mạnh
Khi tham gia kinh tế thị trường, việc tăng đầu mối cung và công khai minh bạch giá xăng là cần thiết. Các đầu mối đủ điều kiện vẫn cần cho đơn vị gia nhập thị trường. Nhưng mặt khác, theo quy định tại Nghị định 83, Bộ sẽ thực hiện sàng lọc, loại bỏ các đơn vị không đủ điều kiện.
Lãnh đạo công ty cho biết ngoài việc tăng trưởng trong nhu cầu, tổ chức quy chế gắn kịp với cơ chế thị trường là điều quan trọng giúp Petrolimex hoạt động hiệu quả hơn trong quý I/2015.
Đồng thời, thể hiện quyết tâm phải thực hiện và thực hiện bằng được để cuối năm sau có thể thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông mà không “lỡ hẹn” như năm nay.