[Trực tiếp ĐHCĐ 2015] PAN: Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 50%

[Trực tiếp ĐHCĐ 2015] PAN: Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 50%

(NDH) Năm 2015, CTCP Xuyên Thái Bình - PAN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 280 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 150 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện 2014.

Sáng nay (24/4), CTCP Xuyên Thái Bình - PAN tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2015.

Đến thời điểm đại hội diễn ra, có 67 cổ đông đại diện 85,03% cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại diện ban lãnh đạo công ty báo cáo tình hình KQKD 2014 với kết quả khả quan.

Năm 2014, PAN thực hiện chiến lược chuyển đổi trọng tâm sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 1.122 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu không đạt kế hoạch đề ra do chưa hợp nhất doanh thu của SSC vào NSC như dự kiến, cũng như doanh thu của ABT giảm so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ các công ty con đều thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận nên lợi nhuận trước thuế công ty vẫn đạt 183 tỷ, tăng 31% so với kế hoạch.

Cơ cấu doanh thu 2014 có sự dịch chuyển về chiến lược kinh doanh, trong đó nông nghiệp chiếm 30%, thủy sản chiếm 40%; giảm tỷ trọng của lĩnh vực kinh doanh truyền thống là dịch vụ xuống còn 30%.

Căn cứ vào tình hình kinh tế cũng như điều kiện kinh doanh của công ty, HĐQT đặt kế hoạch kinh doanh 2015 với mục tiêu khá thách thức.

Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến 2.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện 2014. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 150 tỷ đồng, tăng 50% so với 2014.

Nếu kế hoạch kinh doanh 2015 đạt mục tiêu đề ra, PAN dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.

Cũng tại đại hội 2 nội dung quan trọng được HĐQT trình ĐHĐCĐ gồm tăng vốn điều lệ của công ty con PAN Food từ 100 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, và phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1 bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc tăng vốn tại PAN Food được PAN góp bằng tiền mặt 576,3 tỷ đồng và các cổ phiếu thuộc sở hữu của PAN bao gồm 3,39 triệu cổ phiếu LAF và 7,27 triệu cổ phiếu ABT.

Thay mặt HĐQT, ông Michael Louis Rosen báo cáo tờ trình về sửa đổi tên công ty, sửa đổi vốn điều lệ và xóa bỏ hội đồng đầu tư.

Theo đó, CTCP Xuyên Thái Bình sẽ đổi tên thành CTCP Tập đoàn PAN, có tên viết tắt The PAN Group.

Với nội dung xóa bỏ hội đồng đầu tư, HĐQT cho biết hội đồng được thành lập năm 2014 theo sự phê duyệt của ĐHĐCĐ nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng công ty.

Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn quản trị của Nhóm ngân hàng thế giới, HĐQT đề xuất xóa bỏ Hội đồng đầu tư và chuyển toàn bộ quyền hạn, nghĩa vụ về HĐQT.

10h

Đại hội chuyển sang phần thảo luận

Để các cổ đông hiểu rõ hoạt động, cũng như chiến lược phát triển của PAN cùng các công ty con, ông Nguyễn Duy Hưng đề nghị lãnh đạo của PAN và các công ty con chia sẻ trực tiếp cho các cổ đông tại đại hội.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch PAN: Cách đây 5 năm khi ý tưởng đầu tư vào nông nghiệp hình thành, mọi người đặt câu hỏi chúng ta sẽ làm gì. PAN sẽ góp tiền đề xin đất, thuê người về làm. Cuối cùng, PAN đã lựa chọn góp vốn, mua lại công ty có sẵn thị trường, bộ máy vận hành. Quan trọng hơn cả PAN có được những con người làm việc trong ngành nông nghiệp.

Đó là công ty giống cây trồng trung ương NSC, một công ty có thị phần lớn, bộ máy hoạt động minh bạch, quan hệ tốt. Từ đó tạo chỗ đứng cho PAN vào ngành sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đến ABT, công ty hiếm có về chế biến sản xuất hải sản. Khác với doanh nghiệp khác cạnh tranh bằng doanh số, ABT cạnh tranh bằng chế biến sản phẩm phân khúc cao cấp. Nhờ đó, doanh số ABT không cao nhưng lợi nhuận cao.

Hay như trường hợp Bibica khi nội bộ rối bời, nguy cơ sắp trở thành công ty con của Lotte thì chúng ta đã tham gia để hỗ trợ để giữ lại doanh nghiệp này. Đến nay, sau khi Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho nước ngoài, thì Bibica trở thành doanh nghiệp Việt số 1 trong ngành bánh kẹo niêm yết.

Với những bước đi ban đầu đó, có thể nói PAN đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, vượt qua kỳ vọng ban đầu của những thành viên sáng lập ban đầu.

Giáo sư Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt NAm , thành viên HĐQT PAN: Việt Nam không phải thiếu giống tốt nhưng vấn đề tổ chức sản xuất , tiêu thụ sản phẩm. Đây là câu chuyện muôn thuở của nông nghiệp nước ta. Nếu việc sản xuất chỉ dừng lại ở bán giống thì mới là giai đoạn đầu. Còn PAN có tầm nhìn xa hơn là đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Lấy ví dụ, PAN Food sẽ cung cấp sản phẩm gạo đóng bao có truy xuất nguồn gốc nơi trồng, ngày gặt, sấy, thời hạn sử dụng. Hay như với ngô, PAN sẽ lựa chọn ngô thực phẩm chứ không phải ngô thức ăn gia súc.

Với cách đi chắc chắn xây dựng chuỗi sản xuất từ giống tổ chức sản xuất đến chế biến sản phẩm cuối, tôi tin tưởng PAN sẽ thành công và điểm nhấn trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, PAN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tầm nhìn, hướng đi đúng đắn PAN chắc chắn sẽ thành công.

Điều quan trọng hơn khi PAN thành công, không chỉ đem lại lợi nhuận cho cổ đông mà còn giúp nâng cao thu nhập của người nông dân, tác động tích cực đến cộng đồng.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch PAN: Tôi chỉ xin chia sẻ với quý cổ đông suy nghĩ của tôi khi cùng các đồng sự tìm hướng đi chi PAN cách đây vài năm. Đó là mỗi con người khi sinh ra đều có một sứ mệnh, và sứ mệnh đó có trở nên vĩ đại hay không phụ thuộc vào sự lan tỏa tới xã hội và bền vững. Đó là tầm nhìn của PAN trong kinh doanh.

Tiếp tục cập nhập