Trụ ‘rụng lả tả’, VN-Index về sát mốc 570 điểm

Trụ ‘rụng lả tả’, VN-Index về sát mốc 570 điểm

(NDH) Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường như VNM, BVH, VCB... đều đã giảm giá và kéo cả hai chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.

Sau một khoảng thời gian giằng co mạnh tại mốc tham chiếu, cả hai chỉ số đều đã sụt giảm trở lại do khá nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã chịu áp lực bán mạnh. Đáng chú ý, về cuối phiên giao dịch, VNM đã giảm trở lại 2.000 đồng xuống 122.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BID và MBB là hai cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi trong phiên hôm nay duy trì được sắc xanh. Các cổ phiếu như VCB, STB, CTG và SHB đều đồng loạt giảm giá. Trong đó, VCB giảm 800 đồng xuống 42.100 đồng/CP. CTG giảm 100 đồng xuống 18.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác trên thị trường là BVH, GAS, PVD, LAS đều chìm trong sắc đỏ và gây nên áp lực lớn tới hai chỉ số. Kết thúc phiên giao dịch, BVH giảm 2.000 đồng xuống 52.000 đồng/CP. PVD giảm 700 đồng xuống 30.600 đồng/CP.

Chiều ngược lại, BID phiên hôm nay tăng 300 đồng lên 20.700 đồng/CP. MBB tăng 100 đồng lên 14.200 đồng/CP. Một vài cổ phiếu lớn khác như KDC, MSN, PLC… cũng đều nhích lên trên mốc tham chiếu. MSN tăng 500 đồng lên 70.500 đồng/CP. Các phiên giao dịch gần đây, MSN liên tục dẫn đầu về khối lượng bán ròng của khối ngoại, và tính cho cả tháng 11 vừa qua, MSN đã bị bán ròng tới hơn 474 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, OGC đã có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và khớp lệnh lên tới hơn 12,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, các cổ phiếu nhưu FLC, HAG, SBT… vẫn hút được dòng tiền khá tốt.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,49%) xuống còn 570,41 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 106 mã giảm và 102 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 116 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.893 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 298 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,35 điểm (-0,43%) xuốn còn 80,26 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 97 mã giảm và 200 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 36,7 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 343 tỷ đồng.


Sau khoảng thời gian đầu phiên giao dịch khá yên ắng, thị trường bỗng nhiên xuất hiện thông tin các công ty sữa vừa bị Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Chi cục Hải quan TP.Hải Phòng) yêu cầu phải nộp bổ sung đủ tiền thuế chênh lệch trong 5 năm qua chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra thông báo. Theo ước tính của các DN, nếu thay đổi mức thuế từ 5% ban đầu lên đến 15% thì số tiền truy thu lên đến 1.000 tỉ đồng.

Thông tin trên chưa biết có ảnh hưởng tới VNM hay không? nhưng ngay khi vừa xuất hiện đã khiến lực bán ở cổ phiếu này tăng mạnh. Kết thúc phiên sáng, VNM giảm tới 3.000 đồng xuống 121.000 đồng/CP và là nhân tố chính khiến sự hưng phấn của thị trường bị dập tắt, đà tăng của chỉ số VN-Index vì vậy cũng bị thu hẹp đáng kể. Tương tự, một cổ phiếu sữa khác là HNM trong phiên sáng nay cũng giảm 200 đồng xuống 9.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu có tính dẫn dắt như GMD, KLS, SHB, KLS… cũng đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Đáng chú ý, sau khoảng thời gian khá hưng phấn ở đầu phiên giao dịch, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB và CTG đã lùi về đứng ở mức giá tham chiếu qua đó làm chững lại đà tăng của chỉ số VN-Index.

Chiều ngược lại, sắc xanh vẫn được duy trì khá tốt trên các mã như VIC, SSI, GAS, BVH, BID, ACB, NTP… Đáng chú ý, SSI phiên sáng nay tăng 200 đồng lên 22.900 đồng/CP sau thông tin em trai Chủ tịch HĐQT SSI đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu.

Nhìn chung, giao dịch trên thị trường trong phiên sáng diễn ra khá ảm đạm, các cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, HAG, BHS, KLF, PVX… vẫn là tâm điểm của dòng tiền. Trong đó, giao dịch mạnh nhất thị trường vẫn là mã FLC, đạt hơn 7,5 triệu đơn vị.

Phiên sáng nay, thị trường có giao dịch thỏa thuận mạnh của hai mã NT2 (1 triệu cổ phiếu) và SAM (2,2 triệu cổ phiếu).

Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (0,03%) lên 573,39 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 67 mã giảm và 140 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 53 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 875 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm trở lại 0,13 điểm (-0,16%) xuống 80,48 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 72 mã giảm và 227 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 21 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 202 tỷ đồng.


Sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đã lấy hồi phục trở lại và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, VCB, MBB… đã lấy lại được sắc xanh sau khi lao dốc mạnh ở phiên hôm qua. Hiện tại, BID đang tăng 400 đồng lên 20.800 đồng/CP. CTG tăng 200 đồng lên 18.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm dầu khí là GAS, PVD, PXS, PVS… cũng đều nhích lên trên mốc tham chiếu. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12/2015 tại thị trường New York, Mỹ tăng 17 cent, tương đương tăng 0,4%, lên 43,04 USD/thùng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua tăng 1 triệu thùng. Đầu phiên giao dịch, giá dầu giảm 2% xuống 41,72 USD/ounce. Giá dầu có thể sẽ vẫn chịu áp lực trong thời gian lâu hơn khi các chuyên gia phân tích tiếp tục hạ dự báo đối với mặt hàng này, cho rằng OPEC sẽ không giảm sản lượng trong cuộc họp vào tháng 12 này.

Hiện giờ, GAS đang tăng 600 đồng lên 41.800 đồng/CP. PVD tăng 200 đồng lên 31.500 đồng/CP. PVS tăng 200 đồng lên 19.800 đồng/CP.

Ngoài ra, khá nhiều cổ phiếu có tính dẫn dẵn khác trên thị trường là FPT, VIC, BVH, VCG… cũng đều nhích lên trên mốc tham chiếu và đang hỗ trợ rất tốt cho hai chỉ số VN-Index và HNX-Index.

Mặc dù thị trường đang có sự hồi phục rất tốt, nhưng do ảnh hưởng từ phiên giảm điểm hôm qua nên tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn và khiến giao dịch trên thị trường diễn ra không thực sự sôi động, thanh khoản hai sản chỉ ở mức trung bình. Trong đó, dòng tiền vẫn chỉ đa phần tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, SBT, HQC…

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 2,99 điểm (0,52%) lên 576,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 306 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,46 điểm (0,57%) lên 81,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng 62 tỷ đồng.

Với các diễn biến kém tích cực liên tiếp xuất hiện trên thị trường thế giới cùng với áp lực tỷ giá không ngừng gia tăng ở thị trường tiền tệ trong nước, VCBS cho rằng đà giảm của thị trường sẽ chưa thể sớm chấm dứt. Trong bối cảnh tin tức hỗ trợ từ phía vĩ mô cùng như doanh nghiệp khá vắng bóng, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường và hạn chế mua bắt đáy khi rủi ro vẫn đang hiện hữu ở mức đáng kể.

>>> Xem thêm: Tháng 11: Thị trường bất ổn, khối ngoại trên HOSE bán ròng hơn 491 tỷ đồng