Sau khi giảm liên tục do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 12, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại vào đúng thời điểm ngay trước và sau khi kết quả cuộc họp được công bố.
Đây là tuần tăng điểm đầu tiên sau 5 tuần mất điểm liên tiếp kể từ khi chỉ số VN-Index chạm mốc 615 điểm ngày 5/11.
Theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), quyết định của Fed đã tạo ra hiệu ứng ngược trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
“Tin ra thì nhà đầu tư thở phào, vì áp lực được giải tỏa trong ngắn hạn,” ông nói, cho rằng thị trường đã có sự chuẩn bị rất dài trước đó cho việc Fed tăng lãi suất.
Tuy nhiên, về dài hạn hơn, ông Hoàng khẳng định đây không phải là tin tốt cho thị trường, vì câu chuyện Fed tăng lãi suất tạo ra một số tác động bất lợi. Thứ nhất, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ cản trở dòng vốn ngoại gia nhập các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Như vậy, yếu tố dòng tiền sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất tạo áp lực nhất định lên tỷ giá. “Khi rủi ro tỷ giá còn treo lơ lửng thì tất cả các khoản đầu tư bằng đồng VND đều sẽ chịu ảnh hưởng, người ta sẽ ngại đầu tư hơn, và dòng tiền vào thị trường cũng sẽ bị hạn chế.”
Ông Hoàng cho rằng thị trường chứng khoán mà không có tiền thì rất khó tăng, nên đây là một tín hiệu không tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.
“Trong năm 2016, yếu tố Fed tăng lãi suất không phải là thông tin tích cực cho thị trường, mà phải khẳng định là thông tin xấu, phải tính là thông tin xấu”, ông Hoàng đánh giá.
Theo quan điểm của ông Ngô Thế Hiển – Phó trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), việc Fed tăng lãi suất đồng nghĩa với kinh tế Mỹ cải thiện, bên cạnh đó cú sốc giá dầu thời gian qua cũng tác động xấu tới triển vọng kinh tế của nhiều quốc gia trong đó có một số nước thuộc nhóm BRIC, những yếu tố này sẽ khiến cho dòng vốn tận dụng lãi suất thấp trước đó đầu tư sang các quốc gia khác nay sẽ rút về Mỹ.
Thị trường Việt Nam dự kiến cũng sẽ chịu tác động từ xu hướng này. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng với các cân đối vĩ mô hiện tại của Việt Nam vẫn tốt, nên nhìn chung tác động từ việc Fed tăng lãi suất đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam không nhiều.
“Nếu nói là dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh ra khỏi Việt Nam thì chưa có chứng cứ để kết luận,” ông Hiển nhận định, cho rằng cần theo dõi thêm thị trường để đánh giá.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân của CTCK Bản Việt (VCSC) – cho rằng mặc dù năm 2016 có thể chứng kiến dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có xu hướng rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên nói chung, nhưng dòng vốn này sẽ vẫn đổ vào những thị trường có mức độ rủi ro thấp nhất, hay có tốc độ tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá nhất trong nhóm này.
Ông Minh cho biết Việt Nam và Pakisstan được đánh giá là hai quốc gia có tăng trưởng kinh tế ổn định hơn trong nhóm các thị trường mới nổi và cận biên, nên dòng tiền sẽ hướng vào những nơi đầu tư an toàn này.
Một yếu tố nữa để Việt Nam có thể tránh được rủi ro từ việc rút vốn của khối ngoại là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh. Các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam nên kỳ vọng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục tăng.
“Nói cách khác là viễn cảnh chung năm 2016 của các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng mức độ “downside” (xấu đi) của Việt Nam sẽ thấp hơn các nước khác,” ông Minh đánh giá.
Đưa ra đánh giá về tác động từ quyết định của Fed đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng lộ trình tăng dần lãi suất của Fed, dự kiến 4 lần trong năm 2016 với mỗi lần tăng khoảng 0,25%, sẽ là vấn đề cần lưu tâm vì nó sẽ không ngừng gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam trong năm tới.
Còn trong ngắn hạn, xu hướng tiếp tục mạnh lên của đồng USD có thể khiến tỷ giá tiếp tục diễn biến căng thẳng, dẫn đến xu hướng bán ròng kéo dài của khối ngoại cho tới khi Ngân hàng Nhà nước có các động thái điều chỉnh tỷ giá tiếp theo với biên độ phù hợp.
CTCK VPBank Securities (VPBS) lại có quan điểm lạc quan hơn, cho rằng quyết định tăng lãi suất điều hành của Fed sẽ chỉ tạo áp lực lên đồng VND và dẫn đến một số biến động ngắn hạn, nhưng sẽ không sẽ dẫn đến những tác động xấu trong dài hạn.
Theo VPBS, câu chuyện cơ bản là kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sự dẫn dắt bởi dòng vốn FDI cao, xuất khẩu ngày càng tăng trưởng và thị trường tiêu dùng cải thiện nhờ lạm phát thấp. Do đó, những cổ phiếu của các ngành vận tải và tiêu dùng, trong đó có các cổ phiếu nặng ký đang đứng đầu thị trường, sẽ tăng trưởng tốt và hỗ trợ cho thị trường chung.