Bức tranh M&A tại Việt Nam giai đoạn 2014-2015
Theo báo cáo của Diễn đàn M&A Việt nam (MAF), hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2014 đạt giá trị 4,2 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng trở lại với mức tăng 15% so với năm trước đó.
Xét về quy mô, giá trị mỗi thương vụ đạt trung bình 11 triệu USD, tăng so với mức 5–8 triệu USD cách đây 3 năm. Điều này được giải thích bởi các vụ M&A lớn đều có yếu tố nước ngoài có tiềm lực về vốn và mục tiêu của họ là những công ty quy mô từ 20–100 triệu USD.
Xét về lĩnh vực, ngành bán lẻ dẫn đầu các thương vụ M&A, chiếm tới 36% tổng giá trị. Các thương vụ đáng chú ý là Vingroup mua lại Ocean Mart để phát triển thành Vinmart, dự định mua lại Metro của một tập đoàn Thái Lan, và gần đây nhất là Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivimart.
Lĩnh vực hàng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đứng vị trí tiếp theo, chiếm 21% tổng giá trị các thương vụ. Điển hình trong số này là thương vụ Kinh Đô bán 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho tập đoàn thực phẩm Mondelez International của Mỹ với giá trị công bố lên đến 370 triệu USD, hay Công ty Sữa quốc tế IDP bán cổ phần chi phối cho quỹ VinaCapital và các nhà đầu tư khác.
Về đối tác, nếu như giai đoạn 2012– 2013 được đánh giá là làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, thì sang năm 2014 lại là làn sóng đầu tư của Thái Lan, với các vụ M&A điển hình là tập đoàn PowerBuy mua lại chuỗi siêu thị Nguyễn Kim, BJC mua lại Metro.
Bức tranh năm 2015 thay đổi, với một loạt các vụ M&A trong ngành ngân hàng. Từ đầu năm đến nay đã diễn ra 4 vụ sáp nhập ngân hàng, gồm các thương vụ giữa Vietinbank và PGBank, Sacombank và Southern Bank, BIDV và MHB, Martitime Bank và MDB. Số vụ sáp nhập khả năng còn tăng lên khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện 6–7 M&A trong năm 2014 và giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong 3 năm tới.
Theo đánh giá, việc sáp nhập các ngân hàng được thực hiện theo lộ trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và bước đầu đã giúp ổn định niềm tin vào ngành này.
Triển vọng M&A thời gian tới: “Chờ đón sự bùng nổ”
Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 sẽ được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào tháng 8 tới. Trong cuộc họp báo công bố sự kiện này tại Hà Nội ngày 16/7, MAF đánh giá hoạt động này đang “chờ đón sự bùng nổ”.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn được giới đầu tư đánh giá tích cực do môi trường chính trị ổn định và những đổi mới về kinh tế đang tạo điều kiện cho thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Thứ hai, với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn để các tập đoàn quốc tế và khu vực tiếp cận và khai thác.
Triển vọng M&A cũng sẽ được thúc đẩy bởi một số hiệp định thương mại quốc tế khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng lên, điển hình là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do và khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC).
Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ về pháp lý và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thực hiện và được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ ngày 26/6 đã ký Nghị định 60 về tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng từ tháng 9 tới.
Cũng thúc đẩy các hoạt động M&A, Việt Nam đang xây dựng lộ trình cổ phần hóa trong 5 năm tiếp theo, trong đó nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối tại 3 lĩnh vực là các doanh nghiệp sản xuất phục vụ an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực độc quyền tư nhiên nhà nước (truyền tải điện, xổ số, in đúc tiền…).
Với kế hoạch này, từ năm 2016-2020, Việt Nam sẽ cổ phần hóa thêm 400 doanh nghiệp nhà nước nữa, ngoài 289 doanh nghiệp phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2015,trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty rất lớn thuộc các ngành cà phê, thuốc lá, cao su, giấy, xi măng.
Những điều này đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và cho hoạt động M&A.