Với "điểm tựa" kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định và tăng trưởng cao hơn, kết hợp với những chính sách phát triển chuẩn bị được ban hành, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 hứa hẹn nhiều khởi sắc. Đầu Xuân Ất Mùi, Tài chính & Đầu tư trích đăng ý kiến của một số lãnh đạo cơ quan quản lý, chuyên gia tài chính, đại diện tổ chức đầu tư nhìn nhận, đánh giá về triển vọng của TTCK Việt Nam năm 2015.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2014, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi dấu nhiều chuyển biến mạnh mẽ từ hoạt động tái cấu trúc, hoàn thiện hành lang pháp lý… đến sự phục hồi ấn tượng của thị trường. Bước vào năm 2015, TTCK Việt Nam đang đón nhận nhiều khí thế mới và niềm tin vững chắc về sự tăng trưởng bền vững từ phía nhà đầu tư đến cơ quan quản lý. Lạc quan nhưng thật tỉnh táo, sáng suốt nắm bắt cơ hội là thông điệp Tài chính & Đầu tư gửi đến nhà đầu tư nhân dịp đầu Xuân.
Nhiều chính sách giúp phát triển thị trường
Nhờ sự cải thiện kinh tế vĩ mô và các giải pháp tái cấu trúc, TTCK năm 2014 đã đạt được những kết quả khả quan. Chỉ số VN - Index tăng 9%, HNX-Index tăng 24% so với cuối năm 2013; Mức vốn hóa đạt 1.128 nghìn tỷ đồng, tương đương 31,5% GDP; Thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt. Quy mô giao dịch bình quân đạt 5.500 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 104% so với năm 2013.
Năm 2015, các giải pháp của Chính phủ tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết sẽ tạo nhiều cơ hội cho TTCK. Cùng với các giải pháp mà Bộ Tài chính, UBCKNN đang triển khai quyết liệt và đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc TTCK; chuẩn bị cơ sở, điều kiện cần thiết cho việc triển khai TTCK phái sinh, chắc chắn TTCK sẽ tiếp tục hồi phục và tăng trưởng ổn định.
ÔNG NGUYỄN DUY HƯNG
Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn
Mở ra nhiều cơ hội tốt
Năm 2015 tiếp tục mở ra những cơ hội tốt với TTCK. Thứ nhất, về chính sách, với việc thông qua một loạt văn bản hỗ trợ, từ nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN đến giảm chi phí hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các cơ quan quản lý đều đang lấy DN là trung tâm để hỗ trợ phát triển. Đây là tín hiệu tích cực vì TTCK chỉ tốt lên khi cộng đồng DN nói chung và các công ty niêm yết nói riêng tốt lên, làm ăn ngày càng bài bản hơn. Thứ hai, trong vòng 10 năm qua, chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay và đây là nền tảng giúp chi phí vốn đầu vào của DN giảm.
Với những yếu tố trên, TTCK Việt Nam bước vào năm 2015 với rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm cổ phiếu đầu cơ và không nên có cái nhìn méo mó theo "dòng cổ phiếu" như đã diễn ra trong thời gian trước.
Chủ tịch Hội đồng đầu tư VinaCapital
Dự báo dòng vốn FII sẽ tăng
Năm 2015, các hiệp ước xuất, nhập khẩu như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU… sẽ góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam. Các kênh đầu tư, vàng, ngoại tệ vẫn chưa thể hấp dẫn bởi vì các biện pháp hạn chế được thực hiện. Khi tỷ lệ lạm phát và lãi suất giảm, người gửi tiền chuyển sang các kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn hơn. Riêng với TTCK, cơ hội mở ra không ít nhưng sự sàng lọc và lựa chọn phải thực kỹ càng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam đã đạt 200-250 triệu USD trong năm 2014 và đang có xu hướng tăng. TTCK là một kênh đầu tư hấp dẫn vì thu nhập của các DN dự kiến cũng sẽ tăng 10%-15%. Các ngành nghề dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2015 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông lâm sản.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen
Thị trường sẽ chuyển biến tích cực
So với trước kia, cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư quốc tế. Với P/E hiện vẫn thấp hơn 15-20% so với các thị trường trong khu vực, "sức khoẻ" của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện mạnh mẽ. Tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng và sẽ phát triển một cách lành mạnh theo hướng mở hơn cho nhà đầu tư quốc tế, nhiều hơn về số lượng các công ty niêm yết và đa dạng hơn về lĩnh vực và sản phẩm đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2015 sẽ có chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn khi mặt bằng lãi suất được ổn định, lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp sẽ là yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.