Ở TP.HCM hiện có nhiều quán phở mang tên Phở Hùng như Phở Hùng Hai Bà Trưng, Phở Hùng Rạch Giá, Phở Hùng Phú Mỹ Hưng... và những quán này đang bị yêu cầu dùng tên khác!
Có bảo hộ
Bà Trần Thị Tuyết Lan cho biết bà và ông Tiền Kim Thành (Tien Tony - quốc tịch Mỹ) biết nhau từ năm 2002. Ông Tien Tony có một số cửa hàng mang tên Phở Hùng tại Mỹ.
Năm 2006, tại TP.HCM, bà Lan đại diện cho cả gia đình đứng tên lập hộ kinh doanh và nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Phở Hùng cho "dịch vụ ăn uống phở" (nhóm 43), kèm theo logo hình vòng tròn, bên trong có cô gái đội nón lá, hướng mặt vào tô phở bốc khói. Nhãn hiệu này tương tự như nhãn hiệu Phở Hùng tại Mỹ.
Đến năm 2007, bà Lan và ông Tien Tony cùng lập nên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phở Hùng (gọi tắt là Công ty Phở Hùng). Trong đó ông Tien Tony góp 300 triệu đồng, bà Lan góp 200 triệu đồng. Nhãn hiệu nói trên được chuyển cho công ty sở hữu.
Năm 2010, phát hiện ở đường Hai Bà Trưng có quán Phở Hùng tương tự nhãn hiệu của mình, bà Lan tìm hiểu và biết ông Tien Tony ký hợp đồng cho người khác dùng nhãn hiệu Phở Hùng mà không thông qua công ty. Tranh chấp xảy ra, ông Tien Tony kiện ra tòa. Sau nhiều lần thương lượng, đến tháng 8-2013 hai bên hòa giải thành. Ông Tien Tony nhượng lại phần vốn cho bà Lan, bà Lan trả ông 1 tỉ đồng, ông Tien chỉ "được quyền sử dụng nhãn hiệu Phở Hùng của công ty cho một tiệm phở do ông làm chủ".
Ngay sau đó, bà Lan làm thủ tục đổi từ hai thành viên sở hữu còn một mình bà Lan là chủ sở hữu công ty. Hiện công ty này có hai quán Phở Hùng, một ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) và một ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).
Phở tên Hùng là vi phạm?
Ngày càng có nhiều quán mang tên Phở Hùng mọc ra, với cách trình bày tương tự như nhãn hiệu Phở Hùng của công ty bà Lan như quán Phở Hùng ở đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3), Nguyễn Thị Thập (quận 7), khu phố Mỹ Phúc (quận 7), Nguyễn Đức Cảnh (quận 7). công ty của bà lan có văn bản gửi cho các quán nói trên yêu cầu chấm dứt sử dụng nhãn hiệu. Tuy nhiên, các quán trên vẫn không đổi tên.
Bà Lan đề nghị Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp. Mãi đến gần đây, tháng 8, bà Trần Thị P.M., đại diện cho ba quán phở trong số trên, đến Sở Khoa học và Công nghệ giải trình và được Thanh tra Sở yêu cầu chấm dứt vi phạm. Đến tháng 9, ba quán phở trên có thông báo cho Sở biết đã đổi bảng hiệu. Thế nhưng bảng hiệu mới vẫn dùng "Phở Hùng" nên Thanh tra Sở có ý kiến xác định "là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã bảo hộ", "không đáp ứng đúng yêu cầu". Thanh tra Sở cũng yêu cầu các quán trên làm việc với Sở để giải trình lại.
Bà Lan cho biết còn có một số quán khác mang tên Phở Hùng với cách trình bày logo, hình ảnh, kiểu chữ khác đi một chút. Ví dụ, logo tròn có hình người đàn ông, nằm giữa chữ Phở và chữ Hùng, trông như Phở O. Hùng. Chữ "PHỞ HÙNG" viết hoa toàn bộ và thẳng đứng, không viết thường và in nghiêng như chữ Phở Hùng của công ty bà Lan.
Ai đăng ký trước thì được
Tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì hiện có gần 150 nhãn hiệu độc quyền liên quan đến phở như Phở Thìn, Phở Anh, Phở 2000, Phở 24, Phở Ao Sen…
Luật sư Nguyễn Thanh Long (Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh) phân tích ở Mỹ có nguyên tắc ai dùng nhãn hiệu trước thì cũng có quyền sở hữu nhãn hiệu đó. Vì vậy, nếu có tranh chấp về nhãn hiệu tại Mỹ thì việc chứng minh mình có sử dụng trước là khá quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và được cấp chứng nhận là yếu tố quyết định. Dù anh sử dụng trước tôi mà anh không đăng ký thì anh cũng mất quyền. Việc đăng ký độc quyền ở nước này không có giá trị bảo hộ tự động ở các nước khác, cho nên nhãn hiệu ở Mỹ muốn được bảo hộ tại Việt Nam thì phải đăng ký thêm.
Ông Long cũng phân tích: nhóm 43 được gọi chung là nhóm "dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống". Tùy vào đăng ký của chủ nhãn hiệu mà sẽ được bảo hộ trong phạm vi đó. Ví dụ, đăng ký bảo hộ tên Hùng cho "quán ăn, nhà hàng, quán cà phê" thì cứ quán ăn, nhà hàng, cà phê nào mang tên Hùng cũng có thể bị xem là vi phạm. Công ty trên đăng ký nhãn hiệu Phở Hùng cho "dịch vụ ăn uống phở" thì quán phở khác viết chữ Phở Hùng theo kiểu đứng, kiểu nằm, kiểu cách điệu hay kiểu gì đi nữa, miễn phát âm ra được là "Phở Hùng" thì bị xem là vi phạm.
Luật sư NGUYỄN THANH LONG, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh Khi bị vi phạm về nhãn hiệu, doanh nghiệp (DN) có thể giải quyết theo con đường hành chính, như cách Công ty Phở Hùng đang thực hiện. Nếu bên vi phạm cho là không có vi phạm, nhãn hiệu không tương tự... thì DN có thể trưng cầu giám định để làm chứng cứ hữu hiệu cho cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt, cưỡng chế gỡ bảng. Nếu không dùng cách hành chính thì vẫn có thể kiện ra tòa. Giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu không dùng dằng như tranh chấp về tên thương mại. Nếu một quán phở đặt tên là Phở Hùng Vương thì không vi phạm, vì chữ Hùng Vương có nghĩa khác chữ Hùng. Nhưng nếu đặt Phở Hùng 1, Phở Hùng 2, Phở Hùng Mới, Phở Hùng Gốc, Phở Hùng chính hiệu, Phở Hùng Rạch Giá, Phở Hùng Hai Bà Trưng... thì những cụm từ sau mang ý nghĩa bổ sung cho chữ Hùng nên những tên như thế này vẫn bị xem là vi phạm. Một kinh nghiệm cho những bên muốn mua quyền sử dụng nhãn hiệu là phải tra cứu xem chủ nhãn hiệu là ai, công ty nào. Hợp đồng phải do người đại diện pháp luật của công ty ký. Lưu ý là khi thỏa thuận mua quyền thì trả tiền bằng cách chuyển tiền cho tài khoản của chính công ty đó chứ không chuyển cho cá nhân giám đốc, chủ tịch hội đồng... để chắc chắn hơn về pháp luật |