Bắt nguồn từ một công ty gia đình với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm.
CTCP Trang (TFC) chính thức được thành lập vào 07/2004 với một nhà máy sản xuất tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước. Qua hơn 10 năm phát triển, TFC ngày nay sản xuất gần 180 sản phẩm bao gồm thực phẩm chế biến sẵn đông lạnh, thực phẩm sơ chế và bánh ngọt, mặn dùng sẵn.
Nhóm sản phẩm truyền thống và chủ đạo của công ty là nhóm sản phẩm từ tôm với đóng góp vào tổng doanh thu từ 70% - 80% hàng năm.
Công ty cổ phần Trang hiện còn có 2 công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm Dary (“Dary”) (nắm giữ 65%) và Công ty TNHH SX TMDV Thực phẩm Dasumy (“Dasumy”) (nắm giữ 75%). Dary hoạt động trong hai lĩnh vực chính cung cấp kho lạnh và thực hiện khâu sơ chế cho Trang và các đơn vị khác cho các mặt hàng giá trị gia tăng để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Dasumy chuyên sản xuất các loại bánh ngọt, mặn có thể dùng cho bất kì bữa ăn nào trong ngày. Sản phẩm của Dasumy hiện nay được phân phối thông qua chuỗi bán lẻ của công ty, các kênh phân phối và các đối tác của TFC.
Cơ sở sản xuất của công ty hiện đang chạy ở mức tối đa. Để đảm bảo tăng trưởng cho những năm sau, công ty quyết định xây dựng một nhà máy sơ chế và cung cấp dịch vụ cho thuê kho lạnh chứa hàng thành phẩm và nguyên liệu dưới Dary. Như vậy, khi công ty cổ phần Trang chuyển công đoạn sơ chế và chế biến của nhà máy hiện tại sang nhà máy mới của Dary, nhà máy hiện tại sẽ chỉ tập trung sản xuất hàng giá trị gia tăng với công suất ở mức 20 tấn/ngày từ mức 16 tấn/ngày.
Ngoài ra, công ty còn kế hoạch xây dựng một nhà máy bánh cho nhãn hiệu Dasumy bên cạnh việc phát triển hệ thống bán lẻ của nhãn hàng này. Chúng tôi hiện chưa có nhiều thông tin về dự án này ngoài việc triển khai dự án sẽ được thực hiện vào năm sau và tổng vốn đầu tư sẽ không quá 50 tỷ đồng.
Chiến lược của Công ty cổ phần Trang trong thời gian tới là ngoài việc duy trì các thị trường hiện hữu thì sẽ tiếp tục khai thác các thị trường khó tính hơn như thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây là hai thị trường rất trung thành với các sản phầm đã được chấp nhận và giá bán tương đối cao hơn các thị trường khác. Ngoài ra công ty sẽ tập trung khai thác thị trường Mỹ, nơi mà thị trường thức ăn chế biến sẵn được ưa chuộng.
Trong 3 năm qua, TFC đã có những bước tăng trưởng ổn định, nếu như năm 2013 doanh thu của công ty đạt 331 tỷ đồng, thì bước sang năm 2014, doanh thu của công ty đạt 423 tỷ đồng.
Chia sẻ với nhà đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu TFC ở mức 330 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng.
Trong khoảng 1 đến 2 năm tới, TFC dự định sẽ chuyển lên niêm yết tại sàn HOSE và phấn đầu trong tương lai sẽ lọt vào rổ chỉ số VN30 và ETF.
TFC sẽ niêm yết 11 triệu cổ phiếu phổ thông lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong tháng 11/2015 sau khi có quyết định chính thức, với giá tham chiếu dự kiến là 35.000 đồng/CP.
Hiện tại, TFC đã có vốn điều lệ đạt 110 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của công ty tại ngày 17/10 bao gồm 173 cổ đông là cá nhân, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 38% là 6 người, còn lại 167 người là cá nhân trong nước chiếm 62%, tương ứng khoảng 6,8 triệu cổ phiếu.
Lượng cổ phiếu mà HĐQT đang nắm giữ vào khoảng 6 triệu cổ phiếu tương ứng 55% và phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 6 - 12 tháng. BKS đang nắm giữ 2% tương ứng 216.000 cổ phiếu...