Trong giai đoạn bùng nổ 2006 - 2008, một loạt tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đem hàng chục nghìn tỷ đồng đi đầu tư bên ngoài lĩnh vực cốt lõi, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, các khoản đầu tư này bỗng chốc trở thành "trái đắng", doanh nghiệp muốn cũng chưa thể thoát ngay, dẫn đến nhiều hệ lụy còn dai dẳng đến nay.
Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng do khoản đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) sẽ phải chuyển giao về Ngân hàng Nhà nước, sau quyết định bị mua lại với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền lợi, lợi ích của các cổ đông. Oceanbank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, trong đó PVN góp 800 tỷ (khoảng 20%).
Trước khi xảy ra biến cố ông Hà Văn Thắm bị bắt, đây được đánh giá là một trong những ngân hàng trẻ, năng động trong hệ thống và hàng năm đều trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho cổ đông. Nhưng sau khi thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đánh giá vốn điều lệ của Ocean Bank bị âm và tự thân không thể bù đắp nổi.
PVN đối mặt với nguy cơ mất vốn khi Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. |
Ngoài ra, báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương tháng 4/2015 cho thấy PVN đang "mắc kẹt" 1.167 tỷ đồng tại 3 đơn vị là Tổng công ty Xây lắp dầu khí, Công ty Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, Công ty phát triển Đông Dương Xanh. Các khoản đầu tư này đang được xem xét báo cáo Chính phủ cho lùi thời hạn thoái vốn sau 2015 để tiếp tục tái cơ cấu, có như vậy mới bảo toàn được vốn Nhà nước.
Một ông lớn khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng từng điêu đứng vì đầu tư ngoài ngành. Đơn vị này từng có lượng vốn đầu tư ngoài ngành chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu tập đoàn, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính.
Tuy nhiên, nhiều khoản trong danh mục đã không mang lại kết quả, điển hình như thương vụ đầu tư vào EVN Telecom. Theo báo cáo của kiểm toán, "ngành điện" đầu tư 100% vốn vào doanh nghiệp viễn thông với số tiền tính đến 31/12/2010 là 2.442 tỷ đồng, song kết quả kinh doanh liên tục xuống dốc. Nếu như năm 2008, EVN Telecom đạt lợi nhuận 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010.
Trước sức ép của dư luận, năm 2012, EVN cam kết sẽ thoái vốn, giảm vốn tại 7 công ty ngoài ngành với tổng giá trị hơn 2.330 tỷ đòng. Đến hết tháng 3/2015, ông lớn này mới thoái được toàn bộ tại 3 công ty bất động sản, trong khi các khoản đầu tư vào tài chính - ngân hàng vẫn còn đọng lại, trị giá 1.376 tỷ đồng, chủ yếu do tình hình thị trường không thuận lợi.
Hay với "cú đấm thép" một thời là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC), đầu tư dàn trải không thu được hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh đi xuống nhanh chóng và phải tái cơ cấu mạnh mẽ từ năm 2010 đến nay, thậm chí Chính phủ phải bảo lãnh để tái cơ cấu khoản vay 600 triệu USD cho đơn vị này.
Danh sách các ông lớn liên lụy vì khoản đầu tư ngoài ngành vẫn còn nối dài. Chẳng hạn, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đến nay đã thoái xong vốn tại 6 trên 8 đơn vị, song với phần vốn góp tại Công ty Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (48 tỷ đồng), do công ty này đã không hoạt động từ lâu, lại do Vinashin làm chủ đầu tư chính nên khả năng thu hồi vốn khó khăn. Cuối năm 2014, TKV đã đề xuất Thủ tướng phương án xử lý, song với thực trạng dự án và tình hình thị trường hiện nay, việc thoái vốn tại công ty Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà rất khó thực hiện.
Hay với Tập đoàn Cao su, việc bán vốn khỏi các công ty thủy điện sẽ quyết định sự thành công của chương trình "thoát" đầu tư ngoài ngành. Song, quá trình này không dễ dàng do liên quan đến các khoản bảo lãnh vay vốn của tập đoàn và tình hình thị trường chứng khoán vốn diễn biến không khả quan thời gian gần đây. "Áp lực hoàn thành trong năm 2015 với một vài công ty đang trong quá trình xây dựng là khó thực hiện nếu thị trường không có chuyển biến tích cực", đơn vị này cho biết.
Ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một trong những đơn vị được giao hỗ trợ quá trình bán vốn đánh giá việc thoái vốn ngoài ngành vẫn còn vướng ở cơ chế. "Về thoái vốn ngoài ngành, phần mà SCIC tham dự, đặc biệt tại ngân hàng đang rất vướng. Chúng tôi chưa tham dự được khoản nào trong lĩnh vực này, trong khi một số tập đoàn, tổng công ty đã đề xuất với chúng tôi tham gia mua lại vốn", ông nói.
Báo cáo của ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho hay 6 tháng đầu năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.368 tỷ đồng khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư), mới đạt 15% số vốn cần phải thoái.
Không chỉ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả còn ảnh hưởng đến "ghế" của một số lãnh đạo. Năm 2012, Thủ tướng đã ký quyết định thôi chức Chủ tịch EVN đối với Đào Văn Hưng. Đến nay, lý do cụ thể về việc cho ông Hưng thôi chức chưa được tiết lộ, song việc này diễn ra sau khi vị này kiêm nhiệm chức vụ đại diện phần vốn góp của tập đoàn tại nhiều công ty con, nhưng hoạt động không thu được hiệu quả. Mới đây nhất, ông Nguyễn Xuân Sơn - Cựu Chủ tịch PVN cũng bị khởi tố và bắt giữ vì những sai phạm khi còn nắm vai trò là Tổng giám đốc Ocean Bank.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay hiện tại đa số các doanh nghiệp đã rút ra bài học và không dám đầu tư ngoài ngành tràn lan, nên điều quan trọng lúc này là cần tháo gỡ cho những khoản vốn đang "mặt kẹt". "Phải xem từng doanh nghiệp cụ thể, nếu trường hợp nào có thể thoái được thì quyết liệt, không lai rai, còn lại phải có giải pháp tháo gỡ. Nếu họ chỉ thoái được một phần cũng nên chấp nhận", ông nói.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia này cho biết Indonesia từng rơi vào cảnh tương tự, nhưng họ lập ra hẳn một bộ chuyên trách xử lý các khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, sau đó mua lại những khoản doanh nghiệp cần bán. Ở Việt Nam, quan điểm này đã được nhiều chuyên gia đề cập nhiều lần, song theo ông Lưu Bích Hồ, đến bây giờ việc có một bộ chủ quản riêng cho doanh nghiệp Nhà nước hay trao nhiều quyền lực nhiều hơn cho SCIC cũng chưa được thông qua.
"Chúng ta phải chấp nhận để trong vòng vài ba năm có thể tái cơ cấu quyết liệt. Sẽ phải hy sinh, trả giá và bằng mọi cách tạo ra sự phá hủy có tính sáng tạo, nghĩa là cái gì thôi không dùng nữa thì phải bỏ", vị này nhấn mạnh.
Liên quan đến trách nhiệm người đại diện vốn Nhà nước, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng nhiều cán bộ chưa thực sự có năng lực, mà trong nền kinh tế hiện đại, đây sẽ là điểm yếu kéo doanh nghiệp đi xuống. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm các lãnh đạo không hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm thất thoát vốn, theo ông là "bình thường" vì sai thì phải xử lý.
Tuy nhiên, đây cũng là bài học để cơ quan Nhà nước giám sát, quản lý chặt chẽ hơn các cán bộ được giao. "Đầu tiên phải xác định dứt khoát thể chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước, từ đó đào tạo ra những người quản lý giỏi, hoặc chấp nhận thuê những cá nhân có năng lực ở khu vực tư. Song hành với đó, Nhà nước cũng phải tăng cường giám sát người đại diện vốn, vì đây chính là những cá nhân nắm rõ tiền đầu tư đi đâu, đầu tư như thế nào.
"Trong những lúc khó khăn này thì vai trò của Nhà nước rất cần thiết, đó là tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, nâng cao năng lực quản lý, giám sát", Tiến sĩ Lưu Bích Hồ khẳng định.