Tổng giám đốc SCIC: "Chưa quyết thời điểm thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT"

(NDH) SCIC sẽ phải chọn thời điểm đạt được lợi ích cao nhất. Việc nới room ngoại khi có đầy đủ thông tư hướng dẫn sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Hiện SCIC chưa khẳng định về thời điểm.

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký quyết định yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang làm ăn hiệu quả.

Văn bản này cũng xác định lộ trình và phương thức thoái vốn sẽ do SCIC lựa chọn trình Thủ tướng nhằm đưa lại lợi ích tốt nhất cho Nhà nước.

Phóng viên VTV đã có buổi phỏng vấn với ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC về vấn đề liên quan đến thời điểm thoái vốn và phương thức mà SCIC sẽ thực hiện.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc SCIC

PV: Thưa ông, đến thời điểm này SCIC đã có lộ trình thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp trên chưa?

Việc quyết định thời điểm lập phương án thoái vốn cụ thể trình Thủ tướng đến thời điểm này SCIC chưa khẳng định.

Thị trường những dịp cuối năm thường có sự biến động của các cổ phiếu theo xu hướng tăng. Đặc biệt khi mới đây Chính Phủ đã nới room thông qua Nghị định 60 thì cầu các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn này về cơ bản cũng được nới room, vượt qua 49% và có thể lên tới 100% nước ngoài sở hữu. Đây sẽ là một trong các yếu tố sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên vẫn còn phải chờ hướng dẫn Nghị định 60 này.

Theo quy định của Thủ tướng, SCIC phải rà soát toàn bộ danh mục. Đối với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, khi cần thiết thoái vốn theo định hướng chiến lược và ở thời điểm đạt được lợi ích cao nhất thì SCIC sẽ quyết định thực hiện thoái vốn.

PV: Quyết định của Chính phủ cũng nhắc đến vấn đề lựa chọn phương thức có lợi nhất. Ông có thể chia sẻ về các phương thức thoái vốn có lợi nhất tại 10 doanh nghiệp này?

Đối với việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp niêm yết trên sàn, SCIC có thể sử dụng một trong hai cách khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận ngoài sàn. Kinh nghiệm thoái vốn của SCIC cho thấy giao dịch thỏa thuận ngoài sàn thường đạt được mức giá tốt hơn. Bởi số lượng nhà đầu tư khi giao dịch ngoài sàn có thể không chỉ là 1, tạo sự cạnh tranh giúp có lợi hơn về giá cho Nhà nước. Các cổ phiếu niêm yết, SCIC thường giao dịch ngoài sàn thàn công.

Còn đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết gồm Cty đầu tư Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) và FPT Telecom, SCIC áp dụng cơ chế bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ. SCIC hiện đang áp dụng phương thức bán đấu giá trọn lô.

Danh sách 10 công ty SCIC được chọn thời điểm để thoái vốn

Chi tiết: Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk