Tối đa hóa lợi ích của giao dịch ký quỹ 

Kể từ khi được áp dụng tại Việt Nam vào năm 2009, giao dịch ký quỹ (margin trading) đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng thanh khoản của thị trường và tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phương thức này cũng mang lại không ít thiệt hại khi giá chứng khoán sụt giảm.

"Gà đẻ trứng vàng"

Theo phân tích của bà Lê Nguyễn Quỳnh Hương, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay, theo ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay thương mại bằng VND trung bình 9,75%/năm đối với kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trong khi đó, theo Quyết định 637/QĐ-UBCK ngày 31-11-2011 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và khách hàng và theo quy định của pháp luật liên quan.

Trong quý 1-2014, các công ty chứng khoán có cung cấp nghiệp vụ giao dịch ký quỹ đưa ra mức lãi suất trung bình khoảng 0,037% - 0,043%/ngày (tương đương hơn 15%/năm). Như vậy, các công ty chứng khoán vừa cho vay với lãi suất cao hơn, vừa không phải trích lập bảo hiểm tiền gửi hoặc các tỷ lệ đảm bảo an toàn như ngân hàng.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo trong giao dịch ký quỹ là các chứng khoán được hạch toán riêng vào tài khoản ký quỹ do công ty chứng khoán quản lý và theo dõi, rủi ro tín dụng hầu như không xảy ra. Có thể nói, hoạt động giao dịch ký quỹ là "con gà đẻ trứng vàng" cho các công ty chứng khoán trong giai đoạn thị trường tăng điểm.

PGS-TS Bùi Kim Yến, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng chỉ ra rằng đối với nhà đầu tư, giao dịch ký quỹ cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để khuếch đại lợi nhuận hơn nhiều lần so với mua bán cổ phiếu thông thường nếu xu thế của thị trường diễn ra đúng như dự đoán. Bên cạnh đó, nhờ có giao dịch ký quỹ nên thị trường chứng khoán cũng được kích hoạt sôi động, tăng tính thanh khoản, hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường, tiến gần hơn tới thị trường chứng khoán hiện đại của thế giới.

Rủi ro song hành

Dù có khả năng đem lại siêu lợi nhuận, song trên thực tế, giao dịch ký quỹ vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Cụ thể, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, giao dịch ký quỹ có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro thua lỗ sâu khi giá chứng khoán đi xuống.

Đối với công ty chứng khoán, việc đảm bảo an toàn tỷ lệ tài chính cũng như công tác tư vấn đầu tư, giám sát, quản lý tài khoản ký quỹ được đặt lên hàng đầu. Nếu không tuân thủ các quy định liên quan có thể sẽ dẫn đến thua lỗ, mất vốn, gây thiệt hại cho chính công ty.

Thực tế thời gian qua, tại Công ty chứng khoán Sacombank, Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán các doanh nghiệp vừa và nhỏ… do không tuân thủ các quy định về giao dịch ký quỹ trong điều kiện thị trường chứng khoán có diễn biến bất lợi trong năm 2010 - 2012 nên đã phải gánh chịu thiệt hại nặng.

Mặt khác, nhiều công ty chứng khoán vượt rào quy định về mức cho vay tối đa (lên đến 70% giá trị danh mục) đã phát sinh rủi ro cho thị trường, tạo ra sân chơi không công bằng giữa các nhà đầu tư và cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty chứng khoán.

Bên cạnh đó, khi thị trường điều chỉnh, thanh khoản sẽ có những thời điểm tăng cao đột ngột sau đó giảm mạnh do dòng tiền ký quỹ chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, lướt sóng nên được rút ra rất nhanh, điều này dẫn đến hệ quả chỉ số biến động thất thường, không ổn định. Nhiều mã chứng khoán có thể bị thao túng và làm giá.

Nên cho phép bán ký quỹ

Thông thường, giao dịch ký quỹ có hai vị thế chính là mua và bán ký quỹ. Tại Việt Nam, với quy định hiện hành, cơ quan quản lý mới chỉ cho phép nhà đầu tư vay thêm tiền để giao dịch chứng khoán, còn bán ký quỹ vẫn chưa được cho phép. Do đó, tại các thời điểm thị trường rớt mạnh, nhà đầu tư chỉ biết chờ đợi và bán cổ phiếu khi chạm ký quỹ quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động bán kỹ quỹ vẫn đang được triển khai khi các nhà đầu tư cá nhân cho nhau vay mượn chứng khoán thông qua hợp đồng dân sự hay các nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán vay mượn chứng khoán để kinh doanh…

Hiện nay, khung pháp lý về bán ký quỹ tại Việt Nam là Luật Chứng khoán đã quy định nghĩa vụ của công ty chứng khoán "thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính". Như vậy, Luật Chứng khoán tại Việt Nam không cấm bán ký quỹ nhưng hiện tại chưa có những quy định cụ thể về giao dịch này. Vì thế, cơ quan quản lý cần có các bước đi thích hợp để đưa hoạt động giao dịch này vào khuôn khổ quản lý.

Theo các chuyên gia chứng khoán, một trong những tác động tích cực của hoạt động bán ký quỹ đến thị trường tài chính là làm giảm việc định giá cao, từ đó cải thiện hiệu quả của thị trường. Ngoài ra, bán khống còn có tác động làm tăng tính thanh khoản cho thị trường và giảm độ biến động.

Bán ký quỹ cũng là công cụ để thực hiện tốt hơn việc phòng ngừa và quản lý rủi ro cũng như phân bổ danh mục. Bằng việc tham gia bán ký quỹ, các nhà đầu tư có thể trung hòa được các rủi ro phát sinh từ việc mua chứng khoán. Do đó, cấm bán ký quỹ vừa làm tăng chi phí phòng ngừa và quản lý rủi ro, vừa không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia đầu tư.

Đồng quan điểm đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Ủy ban chứng khoán nhà nước nên xem xét cho phép hoạt động bán ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi thời điểm phù hợp, nhằm chuẩn bị cho việc ra đời thị trường chứng khoán phái sinh.