Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 1/11.
Thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng các báo cáo chưa nêu được hiệu quả đầu tư thực tế của các dự án, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét đề nghị điều tra, truy tố; nguyên nhân và giải pháp.
Điểm lại một số dự án thua lỗ như Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất... làm tiêu tan trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư, ĐB Phương bày tỏ quan điểm: “Cách báo cáo, thẩm tra hiện mới "bắn chỉ thiên", nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí”.
ĐB Phương đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình, làm rõ nguyên nhân, áp lực nợ công và khả năng trả nợ của Chính phủ. “Người xưa có câu “thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi’, tâm lý người dân Việt Nam rất lo nợ và trả nợ càng nhiều thì càng lo, vì vậy Bộ trưởng Tài chính phải nói rõ để người dân được biết”, ông Phương nêu.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ đồng tình việc Chính phủ xác định ưu tiên đầu tiên các công trình dự án trọng điểm, cấp bách; hạn chế cơ chế xin cho.
Theo bà Kim Bé, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vụ mùa bị hạn mặn vừa qua có nơi 80% thanh niên bỏ quê đi vì đất không còn sản xuất được. Do vậy, Chính phủ cần tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi để "cứu đồng bằng sông Cửu Long", để vùng đất này hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) đề nghị Chính phủ phải tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội; để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm, giữ tiền trong két sắt.
Trước vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhìn lại giai đoạn 2011 – 2015, đánh giá nợ công tăng nhanh là đúng, cần có sự đồng thuận cao.
Theo Bộ trưởng, năm 2001, nợ công là 36,5%; đến năm 2015 lên đến 62,2% GDP. Quy mô năm 2015 nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng nợ công 2011 – 2015 bằng 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế.
Một trong những giải pháp, theo Bộ trưởng Dũng, tới đây là tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách và thời gian tới sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý nợ công, hiện đang rà soát lại chiến lược nợ công và chính sách về thuế theo đề án đảm bảo an toàn nợ công.