Khả năng vượt kế hoạch 2015
Kế hoạch 2015 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG)kỳ vọng đạt doanh thu 1.790 tỷ đồng (+30%) và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng (41,2%).
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 797,4 tỷ đồng và 34 tỷ đồng tăng lần lượt 51,9% và 70% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ các điều kiện sản xuất thuận lợi và gia tăng tỷ trọng sản xuất xuất khẩu theo hình thức FOB (50% trong 6 tháng đầu năm 2015 so với 30% của năm 2014). Lũy kế 7 tháng đầu năm 2015, TNG đạt doanh thu 1.022,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 43,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuân năm.
Trong 6 tháng cuối năm 2015, doanh thu dự kiến sẽ cao hơn nhờ truyền thống đẩy mạnh mua sắm vào các dịp lễ ở Mỹ và Châu Âu. Thực tế, 6 tháng cuối năm TNG luôn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng này là 14,4% vào năm 2012; 42,3% vào năm 2013 và 62,3% vào năm 2014. Các điều kiện sản xuất kinh doanh của TNG đã thuận lợi hơn các năm trước nên SSI Research cho rằng kế hoạch đã đặt ra khá thận trọng, và nhiều khả năng kế hoạch sẽ được hoàn thành vượt mức
Kỳ vọng tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận cải thiện
Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu hiện còn 60% so với 90% các năm trước đó. TNG chủ yếu nhập khẩu bông tự nhiên từ Hàn Quốc, còn vải và phụ liệu may mặc, đa phần từ Trung Quốc. Chi phí nguyên liệu của TNG chiếm 49% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng WON có xu hướng giảm tạo ra kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện trong các quý cuối năm
TNG đang gia tăng tỷ trọng hình thức xuất khẩu FOB là hình thức xuất khẩu bậc cao hơn CMT. Với FOB, công ty tự chủ động phần nguyên liệu đầu vào nên sẽ cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
EVFTA đã hoàn tất và TPP sắp tới sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng. TNG hiện chưa đáp ứng quy định, "từ sợi trở đi" để hưởng mức thuế suất 0% của TPP, tuy nhiên như đã đề cập, TNG đang trong quá trình tái cấu trúc, phát triển các nhà máy và công nghiệp phụ trợ để hoàn thiện quy trình sản xuất. Ngoài ra, các nhà sản xuất bông, sợi và phụ liệu cũng sẽ dịch chuyền từ các nước ngoài TPP sang các nước có tham gia vào hiệp định để hưởng lợi.
Dựa vào kế hoạch lợi nhuận ròng của TNG, EPS năm 2015 ước tính đạt 3.076 đồng/cp. Với mức giá 25.700 đồng/cp, TNG đang được giao dịch ở PE 2015 là 8.3x và thấp hơn nhiều so với PE dự phóng năm 2015 của TCM là 13.8x. Cần lưu ý rằng, TCM có lợi thế hơn về quy mô năng lực sản xuất và đáp ứng được quy định "từ sợi trở đi" của TPP.
Động lực tăng trưởng đến từ tăng đơn hàng và năng lực sản xuất
Đơn hàng từ các khách hàng lớn như Columbia và TCP tăng 17% và 24% so với năm trước. Giai đoạn 1 của nhà máy Đại Từ đã bắt đầu hoạt động kể từ tháng 2/2015 và ước tính sẽ thêm 17 dây chuyền may công nghiệp nhằm tăng công suất cho TNG.