Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến
Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện cổ phần hóa tính đến thời điểm hiện nay?
Chính phủ yêu cầu CPH 432 DN trong 2 năm 2014-2015. Tính đến thời điểm hiện nay, đã sắp xếp được 167 DN, CPH 143 DN, có nghĩa trong năm 2015 phải CPH 289 DN. Đó là những DN đang triển khai, còn những DN không tiến hành CPH, do vướng mắc về tình hình tài chính, xử lý tài chính chưa dứt điểm được, do không tìm được cổ đông chiến lược, hay gặp rủi ro phát sinh, thì Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu phải thực hiện bằng cách chuyển sang công ty cổ phần.
Việc chuyển thành công ty đại chúng là cái đích cuối cùng. Tuy nhiên, trước mắt chuyển sang công ty cổ phần sau đó tiến hành cơ cấu, xử lý nốt và minh bạch thông tin để mua- bán.
Sắp xếp, CPH nhằm thu hẹp các DNNN tuy có nỗ lực nhưng vẫn còn chậm so với lộ trình, thưa ông?
Với hơn 1.300 DNNN từ đầu nhiệm kỳ thì đến năm 2015, còn khoảng 500 DN đã là một bước tiến lớn. Như tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ trước các nhà tài trợ quốc tế, sẽ thu hẹp DNNN để đến 2015 sẽ giảm xuống còn một nửa, thì từ con số 1.300 DN xuống còn 500 DN là đạt yêu cầu. Mục tiêu đến 2020 tiếp tục giảm để khu vực nhà nước chỉ còn khoảng 200 DN.
Tôi cho rằng, ngoài công tác CPH, giải pháp trọng tâm là nhằm thay đổi về chất đối với các DNNN, thì việc sắp xếp với tiến độ như vậy là một nỗ lực lớn của cả nhiệm kỳ. Theo tôi, chậm nhưng nhìn lại cũng làm được nhiều việc!
Với những DN gặp nhiều vướng mắc, sẽ từng bước chuyển sang công ty cổ phần, sau đó mới tiến hành IPO được cho là bước đi thông minh trong thời điểm hiện nay, nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ giảm bớt khu vực DNNN. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Nhiều người cho rằng, khu vực DNNN là khu vực chủ sở hữu là một tập thể, là chủ sở hữu ủy quyền chứ không phải chính thức. Tuy nhiên, chuyển sang đa sở hữu sẽ do thị trường giám sát, các cổ đông khác do "đồng tiền liền khúc ruột" sẽ cùng với cổ đông Nhà nước giám sát hoạt động của DN. Đó cũng là mô hình hiện đại nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Công ty đại chúng phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, giúp huy động vốn dễ, có sự giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức đánh giá độc lập.
Mục tiêu của Chính phủ lần này là phải gắn với thị trường, có nghĩa là thay đổi về bản chất. Khi DN đã CPH rồi phải theo luật chơi. Nếu niêm yết là luật chơi thị trường, thì trên sàn UPCoM là luật chơi bán thị trường nhưng vẫn phải dưới sự giám sát của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Mục tiêu là bảo vệ nhà đầu tư.
Vừa rồi, Công ty cổ phần điện Quảng Ninh chỉ vì lợi nhuận không đạt yêu cầu đã phải thay đổi cả ban lãnh đạo, mặc dù Chủ tịch tổng giám đốc rất có kinh nghiệm, nhưng đại hội cổ đông biểu quyết phải thay. Đó chính là áp lực đòi hỏi người điều hành phải có sự đổi mới một cách hiệu quả. Đó cũng là thông điệp của Chính phủ, sẽ thực hiện nghiêm để đảm bảo khu vực DNNN gọn lại.
Có ý kiến cho rằng, việc CPH các DN hiện nay chỉ thay đổi về vốn chứ chưa thay đổi về chất của DN. Ông nghĩ gì về việc này?
Thay đổi về chất là mục tiêu của chúng ta. Nhưng quan điểm là CPH không phải bán bằng mọi giá. Ví dụ, trường hợp CPH Vietnam Airlines vừa qua có khía cạnh tích cực là không bán ào ào. Chúng ta thận trọng để tìm cổ đông chiến lược. Tổng giám đốc của Vietnam Airlines cho biết sau khi bán được giá mới tìm cổ đông chiến lược. Việc chọn cổ đông chiến lược đối với các lĩnh vực chuyên ngành như Vietnam Airlines phải thận trọng. Cổ đông chiến lược phải là người bạn đồng hành chứ không phải là đối thủ cạnh tranh.
Trong năm 2015 phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Ảnh: Thu Hòa |
Tuy nhiên, việc tìm được cổ đông chiến lược đối với các DN lớn không phải dễ, thưa ông?
Chúng ta phải thay đổi cách thức đối với cổ đông chiến lược, chúng ta cần trí tuệ và công nghệ, phải đến tận cửa nhà họ chào bán người ta mới mua của mình. Mình không phải là "cô gái đẹp ngủ trong rừng" chờ đánh thức. Có ý kiến cho rằng tại sao nhà nước nắm giữ nhiều thế, nhưng phải nắm giữ để bảo vệ lợi ích của người dân. Hiện nay CPH các tập đoàn, DN lớn, các ngành nghề ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nên cần cẩn trọng. Việc tìm cổ đông chiến lược là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai và phải thực hiện từ khi có phương án, có định hướng CPH.