Tiền ‘ồ ạt’ vào bắt đáy, VN-Index bật tăng gần 6 điểm

(NDH) Nhiều cổ phiếu lớn đã đồng loạt tăng mạnh và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Thanh khoản thi trường tiếp tục ở mức khá cao, đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dao động trong biên độ rất rộng, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có những đợt tăng giảm điểm liên tục và bất ổn định. Tuy vậy, nhờ vào lực bắt đáy mạnh ở cuối phiên sáng, nên cả hai chỉ số đã hồi phục đáng kể.

Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 5,84 điểm (1,11%) lên 532,77 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 95 mã giảm và 98 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 102,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 1.563,09 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,36 điểm (1,86%) lên 74,46 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 56 mã giảm và 214 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 32,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 298,4 tỷ đồng.

Phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục khá tốt và đóng vài trò dẫn dắt giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Các mã như VCB, BID, CTG, MBB, ACB… đều đã tăng giá mạnh trở lại. Khép phiên sáng, VCB tăng 900 đồng lên 40.400 đồng/CP. BID tăng 800 đồng lên 20.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí chịu nhiều áp lực do giá dầu thế giới giảm, tuy nhiên, phiên sáng nay, các mã như GAS, PVD, PVS, PVC, PGS… cũng đã đồng loạt tăng giá. GAS tăng 200 đồng lên 40.100 đồng/CP. PVD tăng 900 đồng lên 31.700 đồng/CP. PVS tăng 900 đồng lên 18.800 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu trụ cột khác là VNM, SSI, KDC… cũng đều tăng mạnh trở lại. Khép phiên sáng, VNM tăng 3.000 đồng lên 97.500 đồng/CP. SSI tăng 400 đồng lên 23.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn như EIB, MSN, HAG… vẫn tiếp tục giảm giá. Trong đó, EIB vẫn giảm mạnh 400 đồng xuống 11.900 đồng/CP.

Phiên giao dịch sáng nay, thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức tương đối cao. FIT giảm 400 đồng xuống còn 9.400 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 8,8 triệu đơn vị. Tương tự, KLF giảm 100 đồng xuống 4.400 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.


Lúc 9:50: Thị trường đang ở trạng thái khá khó lường, mặc dù nhận được lực cầu bắt đáy khá mạnh, tuy nhiên, tình trạng này chỉ duy trì được trong một khoảng thời gian ngắn. Lực cầu dù có tăng mạnh, nhưng lực bán vẫn quá dồi dào đã tiếp tục đẩy các cổ phiếu trụ cột quay trở lại trạng thái giảm sâu.

Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, EIB... đã chìm trong sắc đỏ, trong đó, EIB đang giảm mạnh 600 đồng xuống 11.700 đồng/CP. VCB cũng giảm 600 đồng xuống 38.900 đồng/CP.

Tương tự, đà giảm của các cổ phiếu lớn khác là VIC, GAS, BVH... đã tiếp tục bị nới rộng thêm đáng kể. Hiện tại, GAS đang giảm 1.800 đồng xuống 38.100 đồng/CP. BVH giảm 2.600 đồng xuống 41.200 đồng/CP.


Sau ít phút lao dốc ở đầu phiên giao dịch, lực cầu bắt đáy tăng lên cao đã giúp hàng loạt các cổ phiếu lớn trên thị trường bật tăng trở lại. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, MBB... đang đóng vai trò dẫn dắt. Hiện tại, VCB đang tăng 200 đồng lên 39.700 đồng/CP. BID tăng 600 đồng lên 20.400 đồng/CP. CTG tăng 400 đồng lên 17.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác là VNM, SSI, KDC... cũng đều đã tăng giá trở lại. Trong khi đó, đà giảm của nhiều cổ phiếu lớn khác là GAS, PVD, VIC, BVH... cũng đã được thu hẹp đáng kể.

Lúc 9h30, chỉ số VN-Index tăng 1,86 điểm lên 528,79 điểm, còn chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,76 điểm lên 73,86 điểm.


Sau phiên được gọi là thứ Hai ‘đen tối’, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều thông tin không vui khác từ thị trường chứng khoán các nước trên thế giới cũng như diễn biến tiêu cực của giá dầu.

Phố Wall đã giảm gần 4% trong phiên đầy biến động ngày 24/8 khi chỉ số S&P 500 chính thức được xác nhận bước vào chu kỳ điều chỉnh. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite Index mở cửa ngày 25/8 giảm 6,2% xuống 3.039,2 điểm, sau khi phiên trước ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Theo Reuters, chỉ số này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014.

Về diễn biến giá dầu thế giới, phiên 24/8, giá dầu giảm mạnh 6% xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc khiến thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn. Giá dầu Brent lần đầu tiên xuống dưới 45 USD/thùng.

Trong khi đó, nhiều NĐT tiếp tục lo ngại áp lực về khả năng giải chấp sẽ tiếp tục mạnh hơn trong những ngày tới.

Các thông tin không vui ở trên đều được nhận định rằng sẽ tiếp tục tạo áp lực đáng kể đến thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Mở cửa phiên giao dịch mới, áp lực bán tháo vẫn còn rất lớn, nhiều cổ phiếu vẫn nằm trong hoàn cảnh bị bán giá thấp, tuy nhiên, áp lực bán bằng mọi giá đã không còn mạnh mẽ như phiên giao dịch trước.

Đáng chú ý, với những diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí vẫn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay từ đầu phiên giao dịch, các mã như GAS, PVD, PXS, PGS, PVC… đều đã tiếp tục lao dốc mạnh. Hiện tại, GAS đang giảm 1.800 đồng xuống còn 38.100 đồng/CP. PVD giảm 700 đồng xuống 30.100 đồng/CP.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG… cũng đồng loạt giảm giá, tuy nhiên, mức giảm của các mã này không còn mạnh từ các phiên trước và đều dưới 2%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường là VIC, BVH, MSN, KDC… cũng đang giảm khá sâu. VIC đang giảm 1.100 đồng xuống 39.000 đồng/CP. BVH giảm 1.500 đồng xuống 42.300 đồng/CP. MSN cũng giảm 2.500 đồng xuống còn 76.500 đồng/CP.

Sau khoảng 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 9,39 điểm (-1,78%) xuống 517,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch dạt hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 188 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cũng đang giảm 0,81 điểm (-1.1%) xuống 72,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,38 triệu cổ phiếu, trị giá trên 41 tỷ đồng.

>>>Xem thêm:CTCK nói gì về phiên thứ Hai 'đen tối' của chứng khoán Việt Nam?

BSC: Hóa chất, Phân bón, Điện, Xi măng...hưởng lợi từ việc giá dầu giảm