Thủy sản Hùng Vương đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Nga

Dự án liên doanh xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh có tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD là khoản đầu tư đầu tiên của Hùng Vương ra nước ngoài.

Sau chuyến tham dự hội chợ thủy sản tại Liên Bang Nga, Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG) thông báo đã đạt được thỏa thuận với đối tác Nga để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại TP Matxcova. Tổng số vốn cho dự án này vào khoảng 30 triệu USD, nếu không gặp trở ngại, đầu năm 2015, công ty sẽ khởi công dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Hùng Vương, cho biết dự án này được hình thành dựa trên văn bản ký kết hợp tác về khu công nghiệp giữa TP.HCM với Matxcova, nhằm giải quyết lao động Việt Nam tại Nga.

Nga là nước có nguồn lợi thủy sản đánh bắt khá phong phú, tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản của nước này lại chưa phát triển nên sản phẩm chỉ được bán dưới dạng thô. Nhiều năm nay, người dân Nga phải sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu và Mỹ. Chính vì vậy, sau nhiều năm khảo sát, Hùng Vương đã tìm thấy cơ hội và quyết định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Matxcova.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng thủy sản đóng gói từ Việt Nam đưa sang, đồng thời tận dụng hết nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt phong phú tại các vùng biển Nga, việc xây dựng nhà máy sẽ cung cấp đúng nhu cầu tiêu dùng của người Nga.

"Khi chính phủ Nga không nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và châu Âu, cá tra và các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam sẽ được bán rộng rãi tại 84 tỉnh thành nước Nga thay vì trước đây chỉ bán tại Matxcova", ông Minh khẳng định.

Ngoài dự án nói trên, kết thúc hội chợ thủy sản Nga, Hùng Vương cũng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu 40.000 tấn cá thành phẩm các loại sang thị trường Nga, thời gian giao hàng từ tháng 10 đến quý 1/2015. Đây là hợp đồng xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 60% sản lượng của công ty và dự kiến góp phần đưa doanh số của Hùng Vương tăng 1,5 lần trong năm 2015. Ngoài ra, hợp đồng này cũng sẽ giúp tiêu thụ cá tra nguyên liệu tại thị trường trong nước tốt lên trong thời gian tới.

Không chỉ ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu có giá trị cao, ông Minh còn tiết lộ công ty đạt được thỏa thuận nhập khẩu cá sole fish (cá lưỡi trâu) từ vùng biển Vladivostok của Nga về chế biến, sau đó xuất ngược trở lại thị trường này. Sole fish là loài cá đặc chủng của Nga, nhưng do chưa có khả năng chế biến nên họ bán ra thị trường dưới dạng thô. Việc Hùng Vương nhập khẩu cá sole fish về chế biến sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời tạo nền tảng phát triển lâu dài cho tập đoàn thủy sản có doanh số hàng đầu Việt Nam.

Nhận định riêng về thị trường Nga, ông Minh cho rằng hiệp định thương mại giữa Việt Nam và liên minh thuế quan với Nga sẽ kết thúc trong năm 2014, điều này giúp các mặt hàng nông thủy sản và tiêu dùng được hưởng thuế suất bằng 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn dành cho Việt Nam, khi hiệp định thực thi, sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu vào thị trường có số dân lên đến 200 triệu người.

Trong đó, các mặt hàng như thủy hải sản, nông sản có lợi thế lớn nhất bởi hiện nay, nguồn hàng này đang khan hiếm do lệnh cấm nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu và Mỹ. Như vậy, trong thời gian tới đây, cợ hội để doanh nghiệp bán hàng sang Nga, đồng thời giúp người tiêu dùng Nga biết thêm về sản phẩm của Việt Nam càng trở nên thuận lợi hơn.