Thực trạng các Hiệp hội: Khi "hội" nhiều hơn "hiệp"

Tình trạng nhiều vị quan chức bộ ngành về hưu có sẵn "ghế" làm chủ tịch hiệp hội đang là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của các hiệp hội kém hiệu quả. Rất nhiều các Hiệp hội trở thành nơi hội họp nhiều hơn là bảo vệ quyền lợi các hội viên.

Việc chưa tạo ra được các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thiết thực để có nguồn thu mà chỉ hoạt động dựa trên việc thu phí, đã khiến cho hiệu quả hoạt động của các hiệp hội bị đánh giá thấp. Nhiều DN và đại diện của các hiệp hội, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho đa phần các hiệp hội hoạt động trong "vòng luẩn quẩn", là bởi có không ít người đứng đầu ở các hiệp hội hiện nay chỉ "hữu danh" mà không "có thực", nên không đưa ra được các định hướng phát triển, hình thức hoạt động sao cho hiệu quả, thiết thực, thu hút các DN tham gia.

Sống lâu lên lão làng

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.Hà Nội, bức xúc trước tình trạng nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng nghỉ hưu được "cất nhắc" lên làm chủ tịch hiệp hội để giải quyết theo chế độ. Trong khi đó, để bắt kịp nhu cầu DN, hiệp hội cần hoạt động với cơ chế linh hoạt và nhanh nhạy, đặc biệt là phản biện chính sách, thiết kế các chương trình cho DN. Song với nhiều lãnh đạo về hưu được đưa lên làm chủ tịch, giải quyết công việc mất rất nhiều thời gian, khiến hiệu quả công việc không cao và làm ảnh hưởng chung đến kết quả hoạt động.

Cùng chung nỗi bức xúc trên, ông Lê Khắc Triết, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam chỉ ra thực trạng hiện nay Nhà nước đang can thiệp vào vấn đề nhân sự của các hiệp hội. "Đã giao cho chúng tôi quyền tổ chức quản lý, nhưng Bộ Nội vụ hay Bộ chuyên ngành lại can thiệp sâu vào nhân sự, tìm mọi cách đưa người của cơ quan nhà nước vào tổ chức hiệp hội, gây trì trệ và ảnh hưởng chung đến hoạt động. Như với hiệp hội chúng tôi, xin làm đại hội từ năm 2007 mà mãi đến năm 2010 mới tổ chức được. Thậm chí bên Bộ Nội vụ còn hỏi "ông có nhường ghế chủ tịch cho ai không". Các hiệp hội đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật và điều lệ, chứ không ai có quyền nhường cả", ông Triết nói.

Lo ngại từ cái ghế có sẵn chủ?

Dẫn ra số liệu từ khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) khi có đến 26 vị bộ trưởng về hưu được bầu làm chủ tịch các hiệp hội, ông Lê Anh Ba, Phó Chủ tịch Hội Công nghiệp xây dựng Việt Nam, cho rằng các lãnh đạo về hưu thường làm việc theo phong cách hành chính và "già nua" sức chiến đấu nên ít nhiều không còn phù hợp với cơ chế hoạt động năng động của các hiệp hội. Tuy nhiên, ông Ba cũng nhấn mạnh đến yếu tố kinh nghiệm của các vị lãnh đạo, với đặc thù của từng hiệp hội, ngành nghề sẽ cần đến những người có kinh nghiệm để hỗ trợ, tư vấn trong các hoạt động của hiệp hội, đặc biệt trong phản biện chính sách.

Dẫn chứng thực tế từ chính trường hợp của mình, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài chính, bày tỏ "nỗi niềm" không muốn làm chủ tịch song vẫn cứ bị "bắt" làm. Bởi theo vị này, tuỳ vào đặc thù từng ngành nghề, hiệp hội, đơn cử như có hiệp hội chuyên lo chính sách, cơ chế, luật pháp nên yêu cầu người đứng đầu phải có năng lực am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ. "Không phải cứ quan chức về hưu là muốn làm đâu. Để nắm chức chủ tịch cũng phải qua thẩm định từ các cơ quan ban ngành, riêng làm các thủ tục, lý lịch tư pháp cũng đủ mệt. Nếu như làm giấy phép kinh doanh, các loại giấy tờ khác chỉ vài ngày, trong khi đi làm lý lịch mất đến cả tháng, trong khi kỳ đại hội thì đã cận kề. Phải dùng đến phí bôi trơn, họ mới cho lấy sớm", ông Tuấn than thở.

Theo các DN, để các hiệp hội hoạt động có hiệu quả và thực sự trở thành cầu nối phản biện, tham vấn chính sách, hỗ trợ DN trong các hoạt động kinh doanh, vấn đề quản trị và định hướng phát triển là rất cần thiết. Do đó, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng, tư vấn cho hoạt động của DN có hiệu quả, không nên gắn với chính sách cán bộ như hiện nay. Bên cạnh việc phát huy lực lượng cán bộ nghỉ hưu có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, cũng cần xây dựng và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ năng động, có năng lực. Theo đó, chức danh chủ tịch cần dựa trên cơ sở các thành viên bầu ra, dựa trên yêu cầu thực tiễn của DN, chứ không phải là "cái ghế" đã có sẵn chủ.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế

Hiệp hội là tổ chức xã hội dân sự, với tiếng nói ngày càng cao hơn. Do đó, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, không nhất thiết là người có kinh nghiệm hay người mới, quan trọng là vị trí lãnh đạo phải là người được bầu trên cơ sở dân chủ, chọn người có uy tín và năng lực thực sự. Các Hiệp hội cũng không nên kéo dài thời gian để làm đại hội, mà chỉ cần 1- 2 năm bầu lại để chọn những gương mặt lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu phát triển của hội viên.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Có tới 70% DN không muốn tham gia hiệp hội. Đặc biệt, trong 78 hiệp hội DN được hỏi trong khảo sát VCCI, có 10 hiệp hội đối mặt với tình trạng suy giảm mạnh hội viên do không cung cấp được những dịch vụ mà hội viên mong muốn. Những bất cập trên đã cho thấy, chất lượng của các hiệp hội chưa thực sự được cải thiện. Hiện VCCI đang xây dựng chương trình đào tạo cho các cán bộ hiệp hội, đặc biệt là chức danh chủ tịch, tổng thư ký và các phó chủ tịch.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.Hà Nội

Người đứng đầu hiệp hội phải có tâm và có thời gian, nên cần có cơ chế bầu ban lãnh đạo để chọn được người phù hợp. Cũng như DN, người đứng đầu và bộ máy quản trị cần phải nâng cao năng lực, hiện chưa có lớp đào tạo quản trị cho DN, chúng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để tạo ra các hoạt động thiết thực cho DN hội viên, mà chỉ thấy các hội khác làm hay thì áp dụng. Do đó, thời gian tới cần liên kết với hiệp hội ngành nghề khác, hoặc các tổ chức nước ngoài để đào tạo và cấp bằng. Cần có lớp đào tạo về tổng thư ký điều hành, có cơ chế rõ ràng để chọn người có năng lực thực sự quản lý hội.