Thủ tướng thúc giục bán vốn Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan quản lý mạnh tay hơn nữa trong việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp để hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo tại hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp chiều 26/3, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết theo kế hoạch, cả nước còn 289 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Số liệu cập nhật đến ngày 24/3 cho thấy đã có 81 đơn vị công bố việc xác định giá trị, còn lại 180 đơn vị đang tiến hành. Trong khi đó, việc thoái vốn 3 tháng đầu năm được gần 5.000 tỷ đồng, thu về xấp xỉ 7.000 tỷ.

Đánh giá kết quả này "bám sát kế hoạch" và hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều làm ăn tấn tới, song phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc còn tới gần 290 đơn vị, so với kế hoạch hơn 430 hồi năm 2014 cho thấy nhiệm vụ còn lại vẫn nặng nề. "Mục tiêu này dứt khoát phải làm cho được, nhưng không vì thế mà làm vội, làm tiêu cực để rồi thất thoát, thua lỗ", Thủ tướng yêu cầu.

Tương tự, người đứng đầu Chính phủ nhận định quá trình thoái vốn tỏ ra rất chặt chẽ và hiệu quả khi con số mang về gấp 1,42 lần giá trị sổ sách. "Thoái không chỉ là thu về rồi đầu tư cho lĩnh vực khác mà còn có ý nghĩa là tập trung cho ngành nghề chính. Hơn nữa, Nhà nước thoái được cũng có nghĩa là thành phần khác thay thế, tức là đã huy động được nguồn lực xã hội".

thu_1427374788.jpg

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa khi đủ điều kiện phải niêm yết trên sàn chứng khoán

Dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng bên cạnh làm theo kế hoạch, cần đặt thêm mục tiêu mới là "bổ sung số doanh nghiệp và giảm tỷ vệ cổ phần Nhà nước xuống sâu hơn ở những doanh nghiệp con số này còn cao".

Lãnh đạo Chính phủ gợi ý tại những doanh nghiệp làm ăn chưa hiệu quả nhưng Nhà nước không cần nắm cổ phần (khối xây lắp, may mặc...), thì cần bán với tỷ lệ lớn mới mong thu hút được nhà đầu tư. Trong khi doanh nghiệp dù ăn nên làm ra song tư nhân có thể đảm nhận thì cũng cần manh dạn để các nhà đầu tư mới tiếp quản. "Ví dụ như Bia Sài Gòn, như Mobifone làm ăn hiệu quả thế thì ngay cả bán ít vẫn thu được tiền vì nhà đầu tư mua xong chờ chia cổ tức cũng có lãi. Nhưng nếu là doanh nghiệp xây dựng lời ít mà chỉ bán 10-20% thì ai mua vì họ bỏ tiền ra mà anh (Nhà nước) quyết hết thì mua làm gì", Thủ tướng gợi ý.

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho rằng, với các doanh nghiệp xây lắp, vận tải đường biển, đường sông thì Bộ sẽ chủ trương bán sâu, thậm chí bán hết để vừa hút được nhà đầu tư và Nhà nước không còn lo đi canh vốn bởi thất thoát.

Ông Thăng cho rằng với ngành Giao thông, Nhà nước chỉ nên giữ lại các công ty trong lĩnh vực công ích như điều hành bay, hoa tiêu đường biển hay hạ tầng đường sắt.

Thủ tướng cho biết dù đã có quyết định 37 quy định danh mục và tỷ lệ các ngành nghề Nhà nước cần nắm song cần rà soát và mạnh dạn thoái sâu hơn nữa. "Nhưng thoái vốn không chỉ thu về rồi đầu tư cho lĩnh vực khác mà có ý nghĩa là tập trung cho ngành nghề chính. Có điều thoái hơn không có nghĩa là ta bỏ doanh nghiệp Nhà nước", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng, dù vừa qua đã thu về 7.000 tỷ từ thoái vốn nhưng vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước vẫn tăng lên lần lượt 1,2 và 3,2 triệu tỷ đồng. Khối này vẫn góp gần 40% trong GDP và việc chỉ tiêu này tăng 6,03% trong quý I có sự đóng góp rất lớn của khối doanh nghiệp quốc doanh.

Thủ tướng cũng lưu ý việc cổ phần hóa phải gắn liền với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. "Bắt buộc phải niêm yết khi đủ điều kiện", người đứng đầu Chính phủ dứt khoát.