Thu hút vốn ngoại, khó khăn   ngắn hạn

Thu hút vốn ngoại, khó khăn ngắn hạn

Trong bối cảnh diễn biến khó lường về tỷ giá, dòng vốn nóng trên thế giới có xu hướng rút khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi, TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, việc thu hút vốn ngoại vào thị trường vẫn có nhiều điểm sáng.

Nhà đầu tư mới e dè

Khảo sát về kết quả thu hút dòng tiền mới từ các NĐT nước ngoài thời gian qua tại một số quỹ đầu tư, câu trả lời mà ĐTCK nhận được là: khó lắm! Có rất nhiều lý do khiến NĐT mới e ngại: tỷ giá biến động, không hiểu rõ câu chuyện mua lại ngân hàng giá 0 đồng, TTCK toàn cầu sụt giảm mạnh do chịu tác động từ Trung Quốc...

Giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi vẫn liên tục tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư. Về trung hạn, TTCK Việt Nam vẫn rất tốt, nhưng trong ngắn hạn, những biến động về tỷ giá, đàm phán TTP chưa đạt được kỳ vọng khiến TTCK tạm thời có thể bị điều chỉnh. NĐT vẫn tin tưởng chúng tôi, nhưng tùy theo khả năng chịu đựng rủi ro, tiêu chí đầu tư mà họ tiếp tục hoặc rút vốn. Còn tiền mới thì khó lắm".

Chia sẻ câu chuyện thị trường với ĐTCK, một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam cho biết: "Việc VND liên tục giảm giá so với USD khiến hàng loạt NĐT mới của chúng tôi dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, dù đã có cam kết khá chắc chắn. Chúng tôi đã phải rất vất vả để có được sự cam kết đó, nhưng giờ mọi thứ đều thay đổi, NĐT trở nên rất thận trọng".

Có hai vấn đề mà vị này không nêu ra, nhưng lại là điểm khiến các công ty quản lý quỹ hoạt động trên TTCK Việt Nam đang phải đối mặt: Thứ nhất, niềm tin của NĐT ngoại vào khả năng dự báo và cạnh tranh với các quỹ ETF. Xu thế dòng tiền suốt mấy năm qua cho thấy, sự thuận lợi trong việc rút vốn tại các quỹ mở đã khiến các quỹ đầu tư trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh.

Thay vì đầu tư vào các quỹ đóng với mức độ rút vốn không được dễ dàng, điều mà NĐT rất quan tâm trong bối cảnh TTCK gặp nhiều rủi ro, thì các quỹ đầu tư chỉ số lại nổi lên như một phương án thay thế hiệu quả. Tất nhiên, mỗi quỹ sẽ có một đặc điểm riêng, nhưng với dòng vốn nóng đang làm mưa làm gió trên hàng loạt TTCK mới nổi, đây là một vấn đề của các quỹ truyền thống.

Điểm thứ hai đáng ngại hơn với các công ty quản lý quỹ, là niềm tin của NĐT ngoại vào khả năng dự báo, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động đầu tư các quỹ này.

Chỉ khoảng 2 tuần trước khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh lần đầu (Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao dịch tỷ giá từ 1% lên 2%), tại các cuộc tiếp xúc với NĐT ở thị trường nước ngoài, các công ty quản lý quỹ hoạt động tại Việt Nam vẫn hào hứng tuyên bố: tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ không có biến động nhiều, bằng chứng là tỷ giá được kiếm soát rất tốt trong năm 2014 và nửa đầu năm 2015; TTCK Việt Nam đang tăng trưởng hết sức bền vững, là một trong những thị trường hiệu quả nhất tính từ đầu năm đến nay.

Một NĐT tại Singapore cho biết, chỉ trong 1 tuần, ông đã tham dự 4 cuộc xúc tiến đầu tư do các công ty quản lý quỹ có uy tín, hiện có danh mục đầu tư tại Việt Nam tổ chức và ông cảm thấy đây là thông điệp rõ ràng nhất mà các công ty này truyền tải. Thế nhưng, khi những hào hứng của NĐT trước những viễn cảnh TTCK Việt Nam chưa kịp biến thành hành động thì tỷ giá USD/VND liên tục được điều chỉnh và chỉ số VN -Index theo đó cũng rơi sâu, thổi bay thành tựu của quá trình tăng điểm trước đó.

Niềm tin của NĐT ngoại, những người đang chập chững bước chân vào TTCK Việt Nam khó xây dựng, nhưng lại mất đi rất dễ dàng!

Nhà đầu tư cũ tìm kiếm cơ hội

Trái ngược với tâm lý e dè của các NĐT ngoại chưa từng đầu tư vào Việt Nam, những NĐT có thâm niên đầu tư vào thị trường này đang tỏ ra khá lạc quan về triển vọng của TTCK Việt Nam. Câu chuyện tỷ giá, dù có gây cho NĐT chút phiền lòng, nhưng lại không phải là lý do khiến khối này e ngại đến mức rút vốn khỏi thị trường.

"Bán ra khi thị trường bị rủi ro thì có, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội sinh lời nhiều ngay khi thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh mạnh", đại diện một quỹ đầu tư tại Anh đang hoạt động tại Việt Nam nói và cho biết thêm, danh mục đầu tư tại Việt Nam của quỹ đã mất tới gần 15% chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đó không phải là vấn đề thực sự, khi đầu tuần này, quỹ đã thực hiện mua vào.

"Có một vài mã, chúng tôi chờ đợi cơ hội mua vào từ lâu, nhưng đây mới là cơ hội để giải ngân hợp lý. Tôi cho rằng, NĐT có thể bị "sốc" trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng dài hạn hơn một chút, các cổ phiếu vẫn phải được đưa về đúng giá trị của nó", vị này nói.

Với câu chuyện một vài ngân hàng thương mại bị mua lại với giá 0 đồng, vị này cho rằng: "Việc mua lại này có thể hiểu là, Việt Nam đang chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật để làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tín dụng, đó là điều tốt cho tương lai".

Trong khi đó, một đại diện tại Dragon Capital đưa ra nhận định, về trung hạn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, nên với những NĐT đã tham gia đầu tư và hiểu TTCK Việt Nam, họ vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường. Sau chuỗi 7 phiên bán ròng, ngày 24/8/2015, khối này mua ròng hơn 100 tỷ đồng trên HOSE.

Dòng vốn ngoại đi đâu?

Không có con số thống kê đầy đủ, nhưng đa số các NĐT cho rằng, khối ngoại đã rút ròng ra khỏi TTCK Việt Nam, chỉ có điều, con số thống kê chính xác không được công bố. Về hiện tượng này, hầu hết các công ty quản lý quỹ lớn cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa, liên quan đến vấn đề tỷ giá và câu chuyện này xảy ra với không chỉ TTCK Việt Nam. Vậy, dòng tiền nóng đi đâu?

Thống kê của ĐTCK cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, dòng tiền chảy vào các quỹ ETF trên toàn cầu tăng thêm hơn 123,484 tỷ USD, trong đó chảy vào TTCK Mỹ là hơn 2,89 tỷ USD, chảy vào thị trường trái phiếu Mỹ lên tới 23,805 tỷ USD. Với TTCK Việt Nam, ETF vẫn là kênh hút vốn ngoại khá hiệu quả, dù không lớn, với số tiền hút ròng qua VNM ETF trong khoảng thời gian trên là gần 76 triệu USD.

Con số thống kê trên, dù không phản ánh chính xác toàn bộ dòng chảy vốn trên toàn cầu, nhưng đã phản ánh phần nào xu thế dòng tiền, khi ETF đang là kênh được giới đầu tư quan tâm bỏ vốn. Việc tập trung lượng vốn lớn qua quỹ ETF vào trái phiếu Mỹ cho thấy, các NĐT đang ngại rủi ro mất giá các đồng tiền và Việt Nam không là ngoại lệ. Nhưng ở Việt Nam, dòng vốn ngoại tạm rút ra khỏi thị trường lớn hơn dòng vốn rút ròng ra khỏi Việt Nam, hay nói cách khác, vốn ngoại có xu hướng "nghỉ ngơi", chứ không hẳn là tháo chạy.

Vốn nóng có xu hướng tạm thời sụt giảm, nhưng dòng vốn ngoại nói chung vào TTCK Việt Nam thì không hẳn. Một tín hiệu khá vui là, các quỹ đầu tư private equity đang hướng nhiều sự chú ý tới TTCK Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư theo chuỗi giá trị. Hai lĩnh vực mà khối này rất quan tâm là ngành hàng tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Chúng tôi vẫn ghi nhận sự quan tâm lớn của các NĐT ngoại trong lĩnh vực này. Lượng tiền sẵn sàng bỏ vào cho các thương vụ đầu tư vẫn lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, không giống như giai đoạn trước, dòng vốn này không ngay lập tức đổ vào Việt Nam, mà chia thành từng giai đoạn. Việc tăng tỷ giá USD/VND lần này khiến một số NĐT hào hứng, chứ không phải lo ngại", Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ chuyên về đầu tư các doanh nghiệp chưa niêm yết nói và tiết lộ thêm, trong thời gian tới đây, công ty ông sẽ hoàn tất một số thương vụ có giá trị lên tới gần 100 triệu USD.