Đã có những lo ngại ban đầu về việc siết vốn vào thị trường chứng khoán khi giới đầu tư râm ran về một thông tư mới sắp được ban hành. Ngày 20/11, Thống đốc NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 36 thay thế thông tư 13, 15, 19 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điểm đầu tiên của Thông tư 36 đó là hệ số rủi ro cho vay bất động sản và chứng khoán theo Thông tư mới đã giảm từ 250% xuống còn 150%. Đây sẽ là yếu tố kích thích các ngân hàng thương mại có thể tăng trưởng tín dụng cho hai lĩnh vực này. Điều này trái ngược hẳn với suy nghĩ ban đầu của NĐT là thông tư này mang chiều hướng siết dòng vốn vào chứng khoán.
Thứ hai, theo nội dung thông tư này, tổng dư nợ của các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ của TCTD đó.
Con số 5% này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong những ngày qua.
Tuy nhiên ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng An toàn và chính sách ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN đã phát biểu trên báo giới rằng, thực tế căn cứ vào số liệu thống kê lịch sử và đặc biệt trong những tháng gần đây, tỷ lệ đầu tư kinh doanh vào cổ phiếu của các tổ chức tín dụng chỉ rơi vào khoảng trên dưới 4% vốn điều lệ của toàn hệ thống, do đó NHNN có đủ căn cứ để quy định mức 5% cao hơn mức hiện nay.
Theo số liệu cụ thể, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống là 435 ngàn tỷ, tương đương với giá trị cho công ty chứng khoán, khách hàng của ngân hàng vay tối đa theo tỷ lệ 5% là 21.750 tỷ. Còn nếu tính riêng vốn điều lệ của 37 NHTM thì con số này là gần 324.000 tỷ, tương đương room cho vay margin của riêng hệ thống NHTM trong nước là gần 16.200 tỷ (chưa kể chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vốn riêng của các CTCK).
Trong khi đó, theo số liệu tính đến tháng 10/2014 thì dư nợ cho vay chứng khoán trên toàn hệ thống là 17.000 tỷ, nên tác động nếu có của thông tư 36 đến thị trường chỉ là tác động tâm lý trong ngắn hạn.
Theo quy định của Thông tư 36, NHTM muốn cho vay đầu tư cổ phiếu phải có nợ xấu dưới 3%, không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Điều này có thể sẽ gây khó khăn ban đầu cho các CTCK trực thuộc ngân hàng, theo đó VCB không được cấp vốn cho VCBS cho vay margin, hay như Techcombank-TechcomSC, SHB – SHBS, ACB – ACBS, MB – MBS, VPBank- VPBS…
Đánh giá tác động của Thông tư 36 đến thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng thông tư 36 rất tốt cho thị trường trong dài hạn, giúp lành mạnh thị trường tiền tệ và chuyên nghiệp hóa thị trường vốn.
Theo ông Hưng, việc vay vốn ngân hàng để góp vốn điều lệ công ty hoặc mua bán cổ phiếu không được các thị trường tiên tiến khuyến khích thậm chí còn bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Thứ ba, Thông tư 36 quy định một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu không quá 2 TCTD và chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn của TCTD đó (trừ trường hợp vào tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN).
Ngoài ra thông tư này quy định, khi NHTM tham gia mua cổ phần của TCTD khác thì tại thời điểm mua Chủ tịch, thành viên HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc, ban kiểm soát, cổ đông lớn và người liên quan không được mua, nắm giữ cổ phần, ủy thác cho tổ chức khác mua cổ phần của TCTD đó. NHTM cũng không được cử người tham gia HĐQT của TCTD đã nắm giữ cổ phần trừ trường hợp tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN.
Điều này sẽ giảm đáng kể tình trạng sở hữu chéo và giảm đáng kể tình trạng cá nhân lũng đoạn ngân hàng, đảm bảo cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Việc giới hạn tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên tổng nguồn vốn ngắn hạn cũng sẽ giúp thanh khoản của các NHTM tốt hơn trong tương lai. Nhiều chuyên gia đánh giá Thông tư 36 được cho là “hy sinh ngắn hạn để tốt cho dài hạn”.