'Thông tư 36 không phải là nguyên nhân chính giảm thanh khoản thị trường'

'Thông tư 36 không phải là nguyên nhân chính giảm thanh khoản thị trường'

(NDH) Đó là nhận định của NHNN đối với việc áp dụng thông tư 36 dành cho các TCTD. Cụ thể, tại ngày 31/3/2015 là 21.000 tỷ đồng so với 10/1/2015 tăng 5.200 tỷ đồng còn so với 31/10/2014 tăng 7.270 tỷ đồng.

Tại buổi hội thảo "Vai trò của Thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế" do Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh phối hợp với CTCK Sài Gòn - SSI tổ chức, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó giám đốc phụ trách Viện chiến lược Ngân hàng - NHNN cho biết dòng vốn ngân hàng dành cho đầu tư chứng khoán không suy giảm sau khi thông tư 36 có hiệu lực.

Ông Hiển dẫn số liệu rà soát 12/2014 và tháng 1/2015 và cuối 3/2015 của NHNN về dòng tiền của TCTD vào TTCK

Theo đó, tại ngày 31/3/2015 tổng dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán so với 10/1/2015 giảm 180 tỷ đồng nhưng so với 31/10/2014 vẫn tăng 290 tỷ đồng.

Còn về số liệu dư nợ cấp tín dụng kinh doanh chứng khoán thì xu thế tăng rõ ràng. Cụ thể, tại ngày 31/3/2015 là 21.000 tỷ đồng so với 10/1/2015 tăng 5.200 tỷ đồng còn so với 31/10 tăng 7.270 tỷ đồng.

Như vậy, theo ông Hiển ngay cả khi thông tư 36 có hiệu lực thì dòng tiền từ hệ thống cho thị trường vẫn tăng trưởng mạnh.

Do đó, theo quan điểm NHNN việc áp dụng các quy định của thông tư 36 sẽ giúp TTCK phát triển lành mạnh, hướng được dòng vốn chất lượng ( vốn trung, dài hạn) cho thị trường chứ không phải vốn ngắn hạn từ các TCTD.

"Tôi đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng. Chúng ta cần phải xây dựng thị trường chứng khoán là nơi giữ tiền của nhà đầu tư, thông qua hoàn thiện cơ chế minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư" - ông Hiển nói.

Chia sẻ ý kiến với ông Hiển, ông Vũ Viết Ngoạn cho biết năm 2011 theo số liệu theo dõi từ UBGSTC Quốc gia, vốn ngân hàng cho vay cả chính thức và không chính thức ( các TCTD cho các CTCK vay với nhiều hình thức như hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư trả lãi..) là 50 ngàn tỷ.

Đến khi thông tư 36 được áp dụng theo số liệu chính thức được áp dụng 22 ngàn tỷ đồng. Vào thời điểm hiện tại theo các hợp đồng chính thức được TCTD công bố thì còn hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Vì thế ông Ngoạn cũng đánh giá rủi ro của thị trường giảm hơn rất nhiều so vói năm 2011.