Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) ngày 5-2-2015 đã có báo cáo gửi các cơ quan quản lý đánh giá tác động của Thông tư 36 (qui định cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tối đa 5% vốn điều lệ) đối với thị trường chứng khoán. Theo BIDV, việc thắt chặt nguồn vốn cho vay, đầu tư cổ phiếu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, mà còn có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
"Nguồn vốn đầu tư bị thắt chặt tác động tới triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn, từ đó làm chậm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, do việc huy động vốn chủ và vốn nợ cho doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn". BIDV nhấn mạnh tác động tới lộ trình cổ phần hoá DNNN của Chính phủ. "Thanh khoản chứng khoán sụt giảm sẽ làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư đối với quá trình cổ phần hoá, việc đón chào các cổ phiếu IPO sẽ gặp phải tâm lý e dè của thị trường". Ngoài ra, "triển vọng chưa rõ ràng của chứng khoán gây tâm lý e ngại của nhà đầu tư nước ngoài. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp, làm suy giảm một động lực quan trọng phát triển thị trường tài chính".
BIDV đề xuất ba kiến nghị.
Thứ nhất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh lộ trình theo hướng gia hạn thời gian đáp ứng các điều khoản cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Quá trình sắp xếp các dòng vốn cho hoạt động margin cần thời gian dài hơn. Một sự chuyển dịch vốn thu hẹp lại quá nhanh đang gây xáo trộn thị trường. Thời điểm áp dụng cần xem xét để tránh cú sốc cho thị trường chứng khoán.
Thứ hai NHNN xem xét điều chỉnh theo hướng giảm từ từ tỷ lệ cho vay chứng khoán. Qui mô chứng khoán Việt Nam đang có sự thay đổi đáng kể và từng bước hướng đến qui mô của thị trường mới nổi. Do vậy, nên khuyến khích nguồn vốn tham gia chứng khoán nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tài chính.
Thứ ba đẩy nhanh quá trình sửa đổi Nghị định 52 cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trên thị trường chứng khoán, giúp cải thiện dòng tiền khi qui mô thị trường ngày càng lớn.
Trước đó Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn thực hiện điều khoản cho vay, đầu tư cổ phiếu của Thông tư 36, hoặc điều chỉnh tỷ lệ cho vay linh hoạt hơn.
Từ TPHCM, theo ông Trần Đắc Sinh, chủ tịch hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khán TPHCM, Hose cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn thực hiện qui định cho vay cổ phiếu.
Theo Hose "Việc kinh doanh cổ phiếu ngắn hạn là nhu cầu vốn lưu động của tất cả các thành viên thị trường. Việc ngân hàng thương mại cấp tín dụng vốn lưu động (dưới 12 tháng) cho hoạt động kinh doanh chứng khoán không cần giới hạn, đặc biệt đối với đầu tư cổ phiếu đã niêm yết". Hose đề nghị tạm dừng một số điểm liên quan đến thị trường chứng khoán tại Thông tư 36 và có chỉnh sửa, bổ sung phù hợp, tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển.
-Ông Sinh nhận định: Với quy định liên quan tới chứng khoán, về mặt lý thuyết tôi ủng hộ thông tư này nhưng phải có bước đi phù hợp
-Đánh giá tác động cụ thể của việc áp dụng thông tư trên tới thị trường, lãnh đạo HOSE cho rằng sẽ có sự "rung lắc" đáng kể.
-Sau khi trải qua giai đoạn rung lắc, thông tư sẽ phát huy tác dụng tích cực.