Thống Nhất tăng vốn khủng, mơ về nông nghiệp và hàng tiêu dùng

Nổi lên như một tên tuổi đa ngành và âm thầm thực hiện nhiều thương vụ M&A từ chiến dịch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTN) đang chuẩn bị nội lực để dấn thân vào cuộc chơi trong ngàng nông nghiệp và hàng tiêu dùng.

Mới đây, 18 cổ đông sở hữu 68,59% số cổ phần có quyền biểu quyết đã tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của GTN. Họ đã thông qua hàng loạt kế hoạch kinh doanh "khủng" của Công ty, như tăng vốn gấp hơn 2 lần lên 1.500 tỷ đồng thông qua đợt phát hành cổ phiếu dự kiến được thực hiện từ quý II/2015 đến quý II/2016.

Việc tăng vốn trên chủ yếu phục vụ kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) và đầu tư vào công ty liên kết của GTN. Cụ thể, Công ty dự kiến chi 235,8 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Lodafoods), Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Thống Nhất, Công ty cổ phần Tre Công nghiệp Thống Nhất, Công ty Nhựa miền Trung. Đồng thời, GTN cũng chi 350 tỷ đồng để thực hiện thương vụ M&A với các doanh nghiệp cùng ngành.

Không tiết lộ nhiều về danh tính các đối tác M&A, nhưng GTN bật mí, đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng, đều là những doanh nghiệp có lịch sử truyền thống và doanh thu cao. Trong đó, GTN đã trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea)và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).

Việc trở thành cổ đông chiến lược của Vilico (có sở hư?u Công ty cổ phần Giống bò sư?a Mộc Châu) đang tạo bước đệm để GTN bước chân vào ngành nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh
Việc trở thành cổ đông chiến lược của Vilico (có sở hữu Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) đang tạo bước đệm để GTN bước chân vào ngành nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh

Số 1 về tre công nghiệp ở ASEAN

GTN đã được hình thành và phát triển hơn 10 năm thông qua sự hợp nhất của các công ty trong lĩnh vực sản xuất tre công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, xây dựng hạ tầng, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhựa và cáp viễn thông. Mục tiêu của Công ty là trở thành tập đoàn hàng đầu trong phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Chưa biết GTN có chạm được mục tiêu hay không khi các kế hoạch vẫn trong vòng bí mật, song GNT rất tự tin với mục tiêu này.

Ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Đầu tư GTN cho hay, theo chiến lược, Công ty sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính gồm: lâm nghiệp, nông nghiệp, hàng tiêu dùng, vật liệu công nghiệp và hạ tầng. Nhưng động lực tăng trưởng mới của GTN lại nằm ở mảng nông nghiệp, hàng tiêu dùng. Đó là 2 nền tảng để GTN đang hoàn khâu cuối cùng trong việc thành lập công ty thương mại trọn gói bao tiêu sản phẩm.

Trong kế hoạch phân chia mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng cần đạt được năm nay, mảng kinh doanh ống nhựa đóng góp 250 tỷ đồng; tre công nghiệp góp 200 tỷ đồng; hạ tầng góp 200 tỷ đồng; 850 tỷ đồng còn lại đến từ kinh doanh bất động sản và các công ty con, liên kết khác. Theo ông Phong, nếu các thương vụ M&A mà GTN đang đàm phán thành công trong năm nay, thì tổng doanh thu sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa.

Trong đó, lâm nghiệp là mảng từng làm nên tên tuổi của GTN trong những năm qua thông qua thành viên là Công ty cổ phần Tre Công nghiệp Thống Nhất chuyên sản xuất tre công nghiệp đặt tại tỉnh Hòa Bình, nơi có vùng nguyên liệu rất dồi dào. Có thể nói, GTN thể hiện độ nắm bắt thời cơ nhanh từ chính sách ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này. Dự án tre mà Công ty đang tiến hành được hỗ trợ bởi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, GTN đã sở hữu 2 nhà máy sản xuất sản phẩm tre công nghiệp và đang lên kế hoạch xây dựng thêm một số nhà máy khác để cung cấp các sản phẩm tre với công suất lên tới 20.000 m3/tháng (giai đoạn 1) đối với các loại sản phẩm như cốt pha (tre, gỗ), phôi tre ép, tấm lót đường, đồ nội thất (bàn ghế, ván sàn, các vật dụng khác). Dự kiến, công suất cho giai đoạn III sẽ đạt 100.000 m3/năm.

"Công ty đặt mục tiêu trở thành tập đoàn sản xuất tre công nghiệp số một ASEAN trong vòng 3 năm tới. Bắt đầu từ năm 2014, GTN bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, nâng tầm quy mô sản xuất với các cụm công nghiệp tre tại các địa phương vùng Tây Bắc, cung cấp tất cả các sản phẩm tre công nghiệp, xây dựng và dân dụng cho thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Phong cho biết.

Nhiều khả năng, trong tương lai, những dự án sản xuất về tre công nghiệp của GTN sẽ thu hút các quỹ đầu tư xanh của Đức thông qua chương trình huy động vốn xanh của Chính phủ Đức với Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xúc tiến dự án này).

Ông Phong bật mí, GTN đang đàm phán mua một lâm trường có thể kết hợp khai thác, xây dựng nhà máy sản xuất đồ nội thất. Với kinh nghiệm làm việc đa quốc gia của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trí Thiện, GTN kỳ vọng, trong thời gian sớm nhất, các sản phẩm nội thất làm từ tre sẽ được bán trong mạng lưới bán lẻ của Wall Mart, Target ở thị trường Mỹ.

Dấn thân vào cuộc chơi mới

Mặc dù mảng tre công nghiệp đang được GTN chăm chút, nhưng át chủ bài trong tương lai của công ty này lại là mảng nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Trong đó, việc GTN trở thành cổ đông chiến lược của Vinatea và Vilico, có sở hữu Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, đang tạo bước đệm rất tốt để Công ty bước chân vào hai ngành này. Đáng chú ý là ở mảng hàng tiêu dùng, GTN đang thể hiện nhiều tham vọng với Ladofoods (sở hữu nhãn hiệu Vang Đà Lạt).

Với giới đầu tư, Ladofoods là "miếng mồi ngon" mà họ cần nắm giữ cổ phần và GTN không bỏ qua cơ hội này. Trước đó, tài sản Ladofoods khấu hao gần hết, giá trị thương hiệu cao, nhưng trước đây thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nên chưa được đầu tư phát triển thị trường.

Ý tưởng xây dựng hệ thống hoàn thiện chuyên nghiệp hình thành từ năm 2012, khi GTN và Công ty cổ phần Elmich (chuyên kinh doanh đồ da dụng) mua cổ phần, đầu tư hệ thống quản lý doanh nghiệp, xây dựng kênh phân phối. Sau khi thay đổi cơ cấu cổ đông, tiến hành tái cấu trúc, doanh thu của rượu Vang Đà Lạt tăng từ 120 tỷ đồng (2012) lên 200 tỷ đồng (năm 2014).

Ông Phong cho rằng, Vang Đà Lạt còn rất nhiều dư địa để phát triển tốt. Hiện Elmich nắm 51% và GTN đang nắm 35% cổ phần của Lodafoods. Dự kiến trong thời gian tới, GTN sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 40%. Mục tiêu này, theo ông Phong, là hoàn toàn khả thi, vì Elmich và GTN đã thương thảo trước về việc ai sẽ là người nắm tỷ lệ chi phối trước và định hướng chiến lược phát triển cho tương lai của Lodafoods.

Theo đó, GTN và Elmich cùng đầu tư đưa Vang Đà Lạt thành thương hiệu Việt ở phân khúc cao cấp hơn, mở rộng dòng sản phẩm nước trái cây (dâu, chanh leo). Vang Đà Lạt sẽ phải đầu tư mạnh vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp mới. Riêng sự cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu ở phân khúc cao cấp không phải vấn đề đáng lo ngại đối với Vang Đà Lạt.

Ông Phong phân tích, Vang Đà Lạt đánh vào thị trường bán lẻ, bắt đầu thâm nhập hệ thống nhà hàng, khách sạn. Vang Đà Lạt cần chú ý đến khâu quảng bá, đầu tư tư hệ thống phân phối, chiết khấu mạnh hơn, trang trí quầy kệ, đẩy mạnh hình ảnh sản phẩm. Hiện kênh phân phối hiện đại qua hệ thống siêu thị chiếm 30%, kênh truyền thống 65%, 5% còn lại các kênh khác.

Ông Phong cũng nhắc đến vị thế và vai trò của ông Nguyễn Trí Thiện - người từng kinh qua các chức vụ quản lý kinh doanh cao cấp tại Toyota Southern California Region, Vincent Construction Company. Nếu công ty thương mại mà GTN đang thành lập do ông Thiện làm Chủ tịch HĐTV thì việc tổ chức sắp xếp công ty như mô hình nước ngoài rất khả thi. Qua đó, các đầu mối kết nối thương mại xuất khẩu, hoặc thông qua công ty con, liên kết, ký hợp đồng phân phối trong và ngoài nước sẽ là bước đệm tốt đem lại hiệu quả kinh doanh cho Công ty.

Ngoài ra, ông Tạ Văn Quyền, Tổng giám đốc GTN là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức lớn như quản lý sản xuất tại Công ty Bánh Kẹo Hải Hà, Thực Thẩm Tiến Bảo, Thực Phẩm Q&Q Việt Nam. Đó là chưa kể hàng loạt nhân sự chủ chốt cấp trung có kinh nghiệm được GTN chiêu mộ về để đẩy mạnh lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều ông Phong lo ngại liên quan đến rủi ro về chính sách. Nếu không cẩn trọng và nhanh chóng, thì GTN sẽ mất cơ hội, bởi sản phẩm nông nghiệp cần làm nhanh trong khi những chính sách ưu đãi của Nhà nước còn hiệu lực… Do đó, để tập trung nguồn lực, cùng với việc mua thêm doanh nghiệp khác, GTN sẽ tìm cách thoái vốn ở một số công ty không còn phù hợp để tập trung vào chiến lược công ty thương mại.