Đến nay, HOSE đang niêm yết và giao dịch 307 công ty niêm yết, cùng với 48 triệu chứng chỉ quỹ và 67 triệu trái phiếu đang niêm yết và giao dịch trên SGDCK TP.HCM. Thanh khoản trên thị trường tăng gáp đôi năm 2013, đạt trung bình hơn 2 ngàn tỷ đồng/phiên.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 1 triệu tỷ đồng (971.596 tỷ đồng -tại thời điểm 30/12/2014), tăng 16,4% so với năm 2013.
HOSE cũng cho biết năm 2014, thị trường đã có sự tham gia của hơn 1,5 triệu tài khoản của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với sự tư vấn và cung cấp dịch vụ của 89 công ty chứng khoán thành viên vào giao dịch. Thị trường đã triển khai các phương thức giao dịch tiên tiến nhằm gia tăng khả năng giao dịch cho các nhà đầu tư. Sự minh bạch trong công bố thông tin của các công ty niêm yết cũng ngày càng được nâng cao.
Nhìn lại lịch sử hơn 14 năm hoạt động, hàng loạt các giải pháp kỹ thuật, sản phẩm tiên phong đã được HOSE nghiên cứu và triển khai bao gồm khớp lệnh liên tục, giao dịch trực tuyến, lệnh thị trường, đấu giá doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, bình chọn báo cáo thường niên, sản phẩm ETF, covered warrant, NVDR…
Không chỉ bản thân Sở, các doanh nghiệp sau khi lên niêm yết đã tăng trưởng về quy mô và chất lượng hoạt động. Trong số hơn 33 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch trên Sở có gần một nửa là cổ phiếu phát hành thêm sau niêm yết, cho thấy các doanh nghiệp tăng bình quân gấp 2 lần so với quy mô khi niêm yết lần đầu. Các hoạt động quản trị công ty, quản trị rủi ro và phát triển bền vững dần trở thành những kim chỉ nam trong tổ chức hoạt động doanh nghiệp.
Các công ty chứng khoán thành viên cũng đang dần được sàng lọc để trụ lại trên thị trường là những công ty hoạt động tốt, với chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ dần vươn ra tầm khu vực.
Trong năm 2015 tới đây, Sở GDCK Tp.HCM sẽ tập trung vào chất lượng phát triển, đặc biệt là vấn đề quản trị công ty và quản trị rủi ro, minh bạch thông tin và phát triển sản phẩm mới thay vì quan tâm tới quy mô và thanh khoản như thời gian trước đây.
Năm 2015 cũng là năm bản lề của tái cấu trúc thị trường chứng khoán, bao gồm hợp nhất các Sở giao dịch, chuẩn bị triển khai thị trường phái sinh, ra đời các sản phẩm mang tính đòn bẩy cao, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn cuối, chuẩn bị tiếp nhận hệ thống công nghệ thông tin mới…. Ông Sinh cũng đánh giá rằng các chuyển biến quan trọng trên sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.