Thoát án hủy niêm yết: Lột xác hay “mèo vẫn hoàn mèo”?

Sự dò đáy của nền kinh tế giai đoạn 2011-2013 khiến nhiều doanh nghiệp phải dứt áo rời sàn khi thua lỗ 3 năm liên tiếp hay lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Theo thống kê của Vietstock, kết năm 2013 có khoảng 19 doanh nghiệp thoát án hủy niêm yết và hầu hết đều nằm trong diện “có lãi” sau 2 hai năm thua lỗ liên tiếp. Một năm đã trôi qua, nhìn lại tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đã có sự phân hóa rõ nét khi một bên “lột xác” và cho tín hiệu tăng trưởng ổn định hay thậm chí bứt phá mạnh mẽ và phần còn lại tiếp tục cuộc sống “le lắt” với án hủy niêm yết vẫn treo lơ lửng...

Lột xác!

Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (HOSE: SJS) từng rơi vào hoàn cảnh có nguy cơ hủy niêm yết khi lỗ liên tiếp hai năm 2011, 2012 và tồn tại hàng loạt vấn đề như hàng tồn kho quá lớn, kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục, những lùm xùm trong Ban lãnh đạo… Năm 2013, nhờ việc không phải kinh doanh dưới giá vốn, lãi gộp đủ bù đắp chi phí đã đem về cho SJS khoản lãi 70 tỷ đồng, giúp thoát án hủy niêm yết trong gang tấc. Cứu cánh của SJS đến từ doanh thu ký hợp đồng chuyển nhượng các căn nhà cùng với quyền sử dụng lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh.

Một năm sau thoát án hủy niêm yết, tình hình kinh doanh của SJS tiếp tục cho thấy sự khởi sắc khi ghi nhận trở lại mức doanh thu ngàn tỷ đồng trong năm 2014. Cụ thể, SJS đạt 1,226 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp đôi thực hiện 2013 và lãi ròng 156 tỷ đồng, tăng trưởng 122%. Đặc biệt, gần như toàn bộ doanh thu và lãi ròng của SJS năm 2014 được thực hiện vào quý 4 với nguồn thu từ dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh đóng góp chủ yếu.

Tuy nhiên, SJS vẫn còn tồn đọng vấn đề rất lớn là hàng tồn kho, tính đến cuối năm 2014, tồn kho của SJS ở mức 4,291 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 4,469 tỷ đồng), chiếm đến 79% tổng tài sản với trọng tâm là dự án Khu đô thị Nam An Khánh 2,342 tỷ đồng và dự án Khu đô thị mới Hòa Hải – Đà Nẵng 1,109 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế từ 2011-2014 của các DN tiếp tục tăng trưởng sau khi thoát hủy niêm yết vào năm 2013 (Đvt: Triệu đồng)

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của SGT là số liệu của công ty mẹ

Nếu SJS là sự phục hồi thì Đầu tư Cao su Quảng Nam (HOSE: VHG) lại một trường hợp “thay da đổi thịt” điển hình. Sau hai năm 2011 và 2012 thua lỗ nặng bởi thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn và các dự án bất động sản, trồng cây cao su đang trong giai đoạn đầu tư chưa phát sinh doanh thu, VHG bước sang năm 2013 với chiến lược tái cấu trúc toàn diện, chuyển kinh doanh sang sản xuất, chế biến mủ cao su và xây dựng cơ sở hạ tầng. Công ty đã có lãi 83 tỷ đồng trong năm này và thoát án hủy niêm yết chủ yếu nhờ bán một phần tài sản, đánh giá tài sản cố định góp vốn.

Phải bước sang năm 2014, việc tái cơ cấu mới bắt đầu đem lại hiệu quả khi lãi gộp được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, VHG ghi nhận doanh thu thuần 395 tỷ đồng, tăng trưởng 111% và lãi gộp 46 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần năm 2013. Cùng với đó, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ hợp đồng hợp tác kinh doanh tiếp tục góp phần nâng lãi ròng VHG lên 92 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Trong chiến lược phát triển tới đây, VHG sẽ đẩy mạnh M&A các công ty sản xuất cao su có diện tích trồng và thu hoạch cao su cũng như xây dựng nhà máy chế biến sản xuất cao su.

Một doanh nghiệp khác do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT là Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (HOSE: SGT). Kể từ khi thoát hủy niêm yết nhờ mức lãi bèo bọt chỉ 161 triệu đồng trong năm 2013 (hai năm trước đó lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng), sau đó một năm đã đạt được kết quả khá khả quan khi lãi ròng công ty mẹ 28.6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, soi kỹ hoạt động kinh doanh năm 2014 thì lợi nhuận tăng trưởng không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu đến từ bán vốn và cổ phần từ các khoản đầu tư tài chính. Cụ thể, SGT ghi nhận 221 tỷ đồng doanh thu thuần (doanh thu từ thương mại – dịch vụ và doanh thu cho thuê lại đất chiếm tỷ trọng lớn nhất), tăng trưởng 7%; lãi gộp 48 tỷ đồng, giảm 16%. Trong khi đó, doanh thu tài chính SGT đạt 105 tỷ đồng (chủ yếu là lãi chuyển nhượng cổ phần) tăng gấp đôi năm trước và lợi nhuận khác 7.4 tỷ đồng.

Trong năm 2014, SGT đã thoái vốn khỏi Địa ốc Nam Việt (Naviland) đem về nguồn thu 20 tỷ đồng, đồng thời chuyển nhượng một phần khoản đầu tư CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn (SGC), giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 20% (thương vụ này bị kiểm toán lưu ý về tính không chắc chắn của kết quả khi xảy ra tranh chấp với Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC). Theo đó, các khoản đầu tư dài hạn vào công ty con, công ty liên kết của SGT giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm; các khoản phải thu khách hàng và phải thu khác tăng mạnh lần lượt lên 350 tỷ và 505 tỷ đồng.

Bên cạnh SJS, VHG, SGT, những đơn vị khác như HAX, NAG hay DRH thoát hủy niêm yết với mức lãi “khiêm tốn” trong năm 2013 cũng đã “bứt phá” trong năm 2014 với mức lãi ròng trên chục tỷ đồng.

“Mèo lại hoàn mèo”

Ở chiều ngược lại, bức tranh “u tối” vẫn đeo bám nhiều doanh nghiệp sau thoát án hủy niêm yết khi kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống. Điển hình có thể thấy ở Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HNX: SHN), sau khi thoát án hủy niêm nhờ mức lãi gần 10 tỷ đồng năm 2013 thì năm 2014 lại tiếp tục lỗ gần 80 tỷ đồng cho thấy bức tranh u ám lặp lại. Nhắc lại rằng, năm 2013 SHN có lãi là bởi quý 4 thực hiện chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Khu nhà ở, văn phòng làm việc tại Tây Mỗ thu về 75 tỷ đồng, còn hoạt động kinh doanh chính vẫn èo uột, thu không đủ bù chi.

Do vậy, bước sang năm 2014, tình hình SHN không khá bao nhiêu khi doanh thu ghi nhận chỉ vỏn vẹn 2.3 tỷ đồng, giảm 56%; không đủ bù đắp khoản chi phí tài chính khổng lồ 77 tỷ đồng và các chi phí khác nên lỗ ròng lên đến 79 tỷ đồng. Chi phí tài chính bị đội lên là do SHN phải trích lập nốt dự phòng khoản cho CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân (Tổng Giám đốc Beta BQP) vay số tiền 71.1 tỷ đồng (tổng khoản vay này là 238 tỷ đồng và được chuyển hết trách nhiệm về cho ông Quân nhưng ông Quân đã bỏ trốn).

Với kết quả này, SHN đang một lần nữa đối diện với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sau kiểm toán 2014. Dù vậy, mới đây SHN đã nhận được các phụ lục có đầy đủ chữ ký của khách hàng đồng ý miễn giảm lãi vay với số tiền 5.3 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp công ty giảm lỗ và vốn điều lệ còn 2.8 tỷ đồng, thoát án hủy niêm yết. Song mọi sự vẫn phải phụ thuộc vào công ty Kiểm toán ASC có quyết định điều chỉnh báo cáo kiểm toán 2014 cho SHN hay không.

Thoát cảnh rời sàn với mức lãi bèo bọt năm 2013 ở mức 145 triệu đồng, SXKD Dược và TTB Y Tế Việt Mỹ (HNX: AMV) tiếp tục gây thất vọng cho nhà đầu tư khi lỗ ròng 9.2 tỷ đồng trong năm vừa qua. Nguyên nhân là do quy chế đấu thầu thay đổi, kể từ quý 2 trở đi các sản phẩm của AMV không đủ điều kiện tham dự thầu nữa khiến cho doanh thu chỉ đạt 4.2 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước.

Ngoài hai cái tên bi đát trên thì SDH, SDY cũng báo lỗ năm 2014; khá hơn chút LAF, VID, TST, AME có lãi nhưng lãi giảm rất mạnh so với năm 2013.

Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2011-2014 của các DN thoát hủy niêm yết trong năm 2013 nhưng sụt giảm qua năm 2014 (Đvt: Triệu đồng)