Nguồn cung margin
Sự tăng/giảm đôi khi mang tính tương đối và cần phải có cơ sở tham chiếu nhất định. Thanh khoản khi điểm thấp hơn lúc sôi động nên lượng tiền margin nhiều khả năng cũng giảm theo. Tuy nhiên, nếu lấy cơ sở tham chiếu là tiền margin/thanh khoản có thể sẽ có những kết quả khác.
Theo quy định hiện nay, tỷ lệ margin/vốn tối đa 50/50 (50 vay 50 vốn), giả sử margin khi thị trường sôi động nhất là 50/50, khi thấp điểm tỷ lệ này có thể hạ xuống chỉ còn 20/80 hay thậm chí 10/90. Điều này cũng được hiểu khi thị trường kém khả quan, người ta có xu hướng hạ đòn bẩy để tránh rủi ro. Nhưng lập luận này chưa hẳn lúc nào cũng đúng bởi nhiều yếu tố tác động:
Lượng tiền margin của các CTCK cung cấp cho thị trường ngày một dồi dào hơn. Thông qua việc phát hành trái phiếu, CP, vay NH, nguồn vốn của các CTCK cũng sẽ tăng lên. Thí dụ, cách đây 5 năm, VĐL của CTCK từ mức 1.000 tỷ đồng được xem là khủng, thậm chí có CTCK còn cho biết nếu chỉ tập trung cho môi giới chỉ cần VĐL 100-200 tỷ đồng là dư dả. Nhưng hiện tại, ngay cả những CTCK ở tốp giữa, chưa lọt vào top 10 cũng có khả năng tăng VĐL lên 1.000 tỷ đồng, còn môi giới hiện giờ phải gắn với margin, không có khả năng tham gia margin, tức không có vốn, đồng nghĩa với sự thua thiệt.
Vốn (đầu vào) tăng, CTCK cũng phải tìm đầu ra tương ứng. Tình trạng thiếu tiền margin có thể xảy ra ở vài CTCK trong vài thời điểm, nhưng đó lại là cơ hội cho CTCK khác chứng tỏ lợi thế cạnh tranh. Thí dụ, CTCK A kết hợp với ngân hàng triển khai margin buộc phải tiết chế sau khi Thông tư 36 được áp dụng, lại nổi lên CTCK B với nguồn vốn tự có sẵn sàng cho khách hàng vay. Margin cũng là nguồn chính để tạo ra lợi nhuận cho CTCK, không phải phí môi giới, theo đó các CTCK sẽ tìm mọi cách để khai thác.
Nói đến nguồn cung margin phải nói đến nhu cầu sử dụng từ NĐT. Thống kê cho thấy số lượng CP đạt siêu thanh khoản ngày một nhiều hơn. Có nhiều tiêu chí để đánh giá CP có siêu thanh khoản, chẳng hạn KLGD đạt trên 1 triệu, 5 triệu hay thậm chí 10 triệu CP, hoặc GTGD đạt từ 1 triệu USD trở lên. Nhưng theo tiêu chí nào, số lượng CP đạt được cũng có xu hướng tăng trong năm 2014. Thanh khoản tăng dẫn đến dòng tiền tăng, kéo theo cả sự góp mặt của dòng tiền margin.
Đi sâu vào chi tiết hơn, một số CP có thanh khoản cao thường biến động trong phạm vi hẹp trong từng phiên. Như vậy, muốn đạt được nhiều lợi nhuận, phải giao dịch với số lượng lớn, nên phải dùng thêm margin để mua nhiều hơn. Đó là chưa nói đến những tin đồn kiểu như đội này, nhóm nọ phải dùng margin để "nuôi thanh khoản" cho CP của mình.
Những xu hướng vừa nêu thường diễn ra khi thị trường thuận lợi, vậy lúc khó khăn thì sao. Một NĐT kỳ cựu cho biết cách đây 1 năm vào giai đoạn TTCK có những phiên đỏ lửa anh đã mạnh tay bắt đáy tới mức không còn tiền… margin để bắt. Tất nhiên, đây chỉ là chiến thuật của một NĐT, không phải là xu hướng nhưng cũng gợi mở rất nhiều vấn đề.
Nhiều cơ hội sử dụng margin
TTCK có thể tăng/giảm theo từng thời kỳ nhưng một điểm cần thấy rõ là kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, thông qua các số liệu vĩ mô được công bố thời gian gần đây, trong đó TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nghĩa là niềm tin dành cho TTCK vẫn luôn được duy trì ngay cả những giai đoạn khắc nghiệt nhất. Vậy nên, khi đã có niềm tin, những NĐT dày dạn kinh nghiệm cộng thêm với sự mạo hiểm nhất định vẫn có khả năng sử dụng thêm margin để mua vào CP.
Nếu xác định được CP đã về đáy, rủi ro giảm thiểu, việc tăng margin cũng có thể là một chiến thuật hợp lý. Chiến thuật sử dụng margin được xem là khá phù hợp, đó là dùng phần vốn tự có để đầu tư cho CP có nền tảng cơ bản tốt và sử dụng margin lướt sóng để đa dạng hóa thu nhập.
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH |
Thử đi vào một trường hợp cụ thể, nếu giữ dài hạn những blue chip của thị trường, trong trường hợp nếu không có những yếu tố đột biến như CP ngân hàng, mỗi năm mức tăng của nhóm này chỉ vào tầm 10-20%, và tỷ lệ này trong thực tế không phải là kỳ vọng của dân chứng khoán. Bên cạnh đó, có những khi rủi ro như nhóm CP dầu khí trong giai đoạn cuối 2014 đầu 2015. Suy nghĩ chỉ đánh ngắn mới cần đến margin, còn đầu tư dài hạn dùng vốn tự có đang thay đổi.
Tất nhiên, sử dụng margin luôn đi kèm những rủi ro và đó là lý do vì sao TTCK chả có thông tin gì nghiêm trọng vẫn có thể đi một mạch hơn 17 điểm như phiên ngày 4-5. Có nhiều giả thiết để lý giải cho phiên 4-5 và không loại trừ một nguyên nhân: Bên bán có thể hù dọa những ai đang sử dụng margin để mua CP và nắm giữ.
Khi CP giảm sàn mất 7-10% động thái bán cắt lỗ có thể được tính đến, và nếu sử dụng margin sức ép bán ra để cân bằng trạng thái margin/vốn còn lớn hơn. Tất nhiên, bán ra trong những lúc như vậy thường rất hoảng hốt và giá thấp, lại chính là cơ hội để gom hàng với giá rẻ.