Thị trường mua bán - sáp nhập: Đón chờ sự bùng nổ

Đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, những gì thuộc về tiềm năng của tầng lớp trung lưu sẽ trở thành đích nhắm để bùng nổ các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong tương lai. Nhưng làm thế nào để các bên tìm thấy khẩu vị của nhau.

Đích nhắm là tiềm năng của tầng lớp trung lưu

Khoảng vài năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Công ty LCT Lawyers thực hiện 5 thương vụ M&A cho các nhà đầu tư nước ngoài không qua thị trường chứng khoán, chủ yếu nhà đầu tư Nhật Bản. Riêng trong năm 2014, LCT thực hiện tới 6 thương vụ.

Bước sang năm 2015, M&A có dấu hiệu chững lại, song theo TS. Lê Nết, Giám đốc LCT Lawyers, số vụ M&A sẽ tăng lên khi hàng loạt tín hiệu mới được thông qua, như việc nới tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dần đến hồi kết…

Bán lẻ luôn là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hà Thanh
Bán lẻ luôn là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hà Thanh

Ông Lê Nết cho rằng, khẩu vị M&A có thay đổi, nhưng về cơ bản, sẽ không đi vào cơ sở hạ tầng nhiều, mà chủ yếu liên quan đến lĩnh vực sản xuất thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, bất động sản, dịch vụ phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của tầng lớp trung lưu.

Ngân hàng HSBC dự báo, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có thể tăng từ 12 triệu người trong năm 2014 lên 30 triệu người vào năm 2020. Khi đó, Việt Nam trở thành cơ sở tiêu dùng tuyệt vời cho sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

"Tầng lớp trung lưu tăng lên, kéo theo nhu cầu mua sắm, khám chữa bệnh, dịch vụ cao cấp tăng cao. Những gì thuộc về tiềm năng của tầng lớp trung lưu sẽ trở thành đích nhắm của các thương vụ M&A trong thời gian tới", TS. Lê Nết nhận định.

Đánh vào tâm lý chuộng hàng tiêu dùng và dịch vụ của người dân, nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội đối với DN trong nước.

Một số lượng lớn DN Thái Lan đang di chuyển vào Việt Nam thông qua các vụ M&A, do gần vị trí địa lý và văn hóa tương hợp.

Thống kê của HSBC Thái Lan cho thấy, các công ty Thái Lan đã tham gia ít nhất 377 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 6,7 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư đứng thứ 10 tại đây và đang cải thiện thứ hạng nhanh chóng. Đặc biệt, hai nước đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Người Việt yêu hàng hóa Thái Lan, hàng Nhật Bản, vì sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, mà không quá đắt như sản phẩm phương Tây. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng mua bán nhiều hơn ở cửa hàng bán lẻ hiện đại, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích.

Cũng theo HSBC, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch chi khoảng 80 tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo để phát triển hệ thống tàu điện ngầm, cầu, các dự án đường bộ, đường cao tốc, tạo nhu cầu rất cao cho vật liệu xây dựng.

"AEC sẽ đi kèm với tự do hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam, dẫn đến đầu tư nhiều hơn. Trong khi chờ đợi điều đó diễn ra, các công ty Thái Lan đang cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam sớm hơn", Pitipong Matitanaviroon, Giám đốc Công ty AWR Lloyd (chuyên về tư vấn tài chính, đầu tư và chiến lược trong các ngành công nghiệp khoáng sản và năng lượng) phân tích.

Bằng chứng là, nhiều DN hàng đầu Thái Lan trong các lĩnh vực bán lẻ và sản xuất vật liệu xây dựng, khí đốt đã đầu tư vào Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp lẫn thông qua các thương vụ M&A, như Tập đoàn Charoen Pokphand, TCC Group, PTT, Tập đoàn Xi măng Siam, BJC, Central Group…

Ngay cả quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy, M&A bùng nổ chủ yếu trong những lĩnh vực tiềm năng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu, như viễn thông, xây dựng, bán lẻ, du lịch...

Cơ hội ẩn chứa trong thách thức

Khi có làn sóng đổ bộ từ nước ngoài, với danh tiếng và tiềm lực tài chính mạnh thì việc nhiều công ty Việt Nam lo mất thị phần là hiển nhiên. Song trải qua quá trình vật lộn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thách thức trong cạnh tranh rất rõ ràng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội lớn.

Nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam để M&A vì muốn sản xuất, chế biến với giá rẻ, rồi xuất khẩu thì nay họ đã chuyển sang các ngành dịch vụ, sản xuất hàng chất lượng cao cho nhu cầu nội địa.

Do đó, việc chuyển từ đối đầu sang hợp tác sẽ mang lại cho DN Việt Nam cơ hội học hỏi bí quyết, phong cách làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Có ưu thế về sản phẩm, nhưng hàng Nhật, Thái, Hàn lại yếu về hệ thống phân phối ở Việt Nam, trong khi đây là thế mạnh của các công ty trong nước. Các nhà đầu tư ngoại muốn bành trướng tại Việt Nam sẽ tìm kiếm và sẵn sàng bắt tay với đối tác nội, miễn là các doanh nghiệp này đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, trong tương lai, thị trường sẽ còn chứng kiến thêm nhiều "cái bắt tay" giữa tên tuổi ngoại với đối tác nội.

Cơ hội M&A là có thật, các công ty Việt Nam sẽ biến thành viên ngọc quý như thế nào để các đối tác săn lùng?

Theo ông Koichi Hori, Chủ tịch Dream Incubator Nhật Bản (thành viên hợp danh Quỹ đầu tư DIAIF - Việt Nam), để các thương vụ M&A theo kiểu đôi bên cùng có lợi, không kẻ trên - người dưới như nhiều thương vụ trước đây, thì trước hết, hai bên cần hiểu văn hóa làm việc của nhau.

Thứ hai, củng cố sự chuyên nghiệp về tính minh bạch, rõ ràng trong hệ thống quản trị tài chính, nhân sự. Sự chuyên nghiệp chính là nền tảng đầu tiên để xây dựng lòng tin hai bên. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đồng nhất. Nhà đầu tư Nhật luôn có kế hoạch dài hạn, 10 - 15 năm. Để hiện thực hóa các kế hoạch này, việc xây dựng các bước đi chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể trong từng giai đoạn rất quan trọng. Nếu hiểu rõ mục tiêu của mình, DN Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc xác định ai là đối tác chiến lược và cần làm gì để khai thác hiệu quả mối quan hệ đó.

Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn còn tình trạng vẽ kế hoạch với tầm nhìn lớn lao, nhưng lại chung chung, chưa sát với thực tế và có thói quen làm đến đâu tính đến đó.

Theo quan điểm chung của các quỹ đầu tư nước ngoài, DN Việt Nam phải bước qua thời kỳ của mô hình kinh doanh gia đình và vươn lên tầm cao mới của tiêu chuẩn công ty đa quốc gia để trở thành đối tác ngang hàng với các công ty Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước khác trong khu vực.

TS. Lê Nết cho rằng, DN Việt Nam nào đủ sức cạnh tranh với DN lớn của nước ngoài ngay tại thị trường trong nước thì sẽ đủ tầm cạnh tranh ở khu vực và quốc tế. Điều này đã được chứng mình đối với các DN ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…

Chẳng hạn tại Thái Lan, hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được chi phối bởi 3 - 5 gia đình lớn thuộc hàng tỷ phú và khoảng 10 tập đoàn lớn của nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng của những đại gia đó.

"DN lớn, hoạt động theo mô hình đa ngành trong M&A giống như thỏi nam châm hút dần DNNVV theo. Các DNNVV cũng tự nguyện gia nhập để mất đi, chứ không phải cùng quản trị, để mạnh hơn, để đối đầu và nảy sinh mâu thuẫn hậu M&A. Dĩ nhiên, nếu DN Việt Nam có kỹ năng quản trị tốt, có tầm nhìn dài hạn thì sẽ mạnh ngang bằng các DN lớn", ông Lê Nết cho biết.

Riêng với các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa mà muốn có vị thế tốt, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước thì cần để nhà đầu tư chiến lược sở hữu số cổ phần đủ để họ ra quyết định thay đổi quy mô, hiệu quả kinh doanh; đưa ra lĩnh vực kinh doanh cốt lõi…