Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng khẳng định, trong một cơ chế hội nhập, khi đã gia nhập WTO và sắp gia nhập TPP thì Việt Nam không thể đứng ngoài hệ thống thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, bởi lẽ muốn huy động vốn từ thị trường toàn cầu thì chúng ta phải cải cách, nâng hạng thị trường.
Định vị thị trường
TTCK các nước được phân loại để thể hiện độ tin cậy, mức độ rủi ro, tính minh bạch, mức độ thanh khoản và mức độ phát triển khác nhau. Đây là một trong những thước đo quan trọng để nhà đầu tư quốc tế đưa ra quyết định đầu tư. Đối với TTCK Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên. Vị trí xếp hạng TTCK trong danh sách này thể hiện mức độ phát triển của TTCK, kèm theo đó là mức độ thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Căn cứ theo danh sách tái xếp hạng của tổ chức S&P DJ năm 2013, Việt Nam được S&P DJ khuyến nghị nằm trong danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đối với các tiêu chí định lượng của công ty cung cấp chỉ số lớn MSCI về thị trường mới nổi, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi. Do đó, có thể thấy rằng Việt Nam đang ở ngưỡng giữa 2 mức thị trường. Đây là tín hiệu tốt để TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng.
"Năm 2014, UBCKNN đã tổ chức các hội nghị, diễn đàn ở trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, UBCKNN đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với ESMA (cơ quan quản lý các TTCK châu Âu) về cơ chế phối hợp, giám sát, hỗ trợ thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đại chúng của châu Âu vào TTCK Việt Nam. Công tác chuẩn bị nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi trong bảng phân hạng MSCI đã được tổ chức triển khai tích cực. Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của UBCKNN mà phải có sự quyết tâm của các sở, thành viên thị trường và các công ty đại chúng" - ông Vũ Bằng nhấn mạnh.
Để được xếp hạng là thị trường mới nổi, cần thỏa mãn 2 nhóm chính là nhóm quy mô, thanh khoản thị trường và nhóm tiêu chí tiếp cận thị trường. Theo đó, với nhóm quy mô, thanh khoản thị trường thì quy mô, cần có tối thiểu 3 công ty có vốn hóa đạt ít nhất 1,26 tỷ USD, trong đó vốn hóa của phần không hạn chế chuyển nhượng đạt ít nhất 630 triệu USD. Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch của chứng khoán trong năm phải đạt ít nhất 15% giá trị vốn hóa của chứng khoán đó. Đối với nhóm tiêu chí tiếp cận thị trường phải đáp ứng các tiêu chí như: Độ mở đối với nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc có đủ room cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư được đối xử công bằng và được cung cấp thông tin bằng tiếng Anh. Sự dễ dàng luân chuyển vốn. Tính hiệu quả của thị trường trong việc mở tài khoản nhà đầu tư nước ngoài, khung pháp lý hiệu quả, hệ thống thanh toán bù trừ phát triển, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có hệ thống vay và cho vay chứng khoán...
Sửa chính sách để hội nhập
Tại Hội nghị thành viên TTCK năm 2015 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, một trong những nhiệm vụ mà UBCKNN đặt ra trong năm nay chính là phát triển thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, Vụ Quản lý quỹ - UBCKNN cũng đưa ra những thách thức lớn đối với TTCK Việt Nam như: Mở rộng quy mô và thanh khoản của TTCK. Hiện nay, tỷ lệ vốn hóa của các công ty lớn nhất tại Việt Nam mới chỉ đóng góp với con số khá khiêm tốn tại một số rổ chỉ số thị trường cận biên (2,54% trong rổ chỉ số S&P Frontier Broad Market Index, 4,77% trong rổ chỉ số DJ Frontier Total Stock Market, 2,1% trong rổ chỉ số MSCI Frontier). Trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng, tỷ lệ này sẽ còn nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, để thực hiện công tác nâng hạng một cách hiệu quả, cần tích cực đưa các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn lên niêm yết.
Theo Vụ Quản lý quỹ, tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ qui định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên TTCK của DN Nhà nước là căn cứ quan trọng để thực hiện công tác này. Quyết định này gắn công tác cổ phần hóa với việc niêm yết trên TTCK. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số lượng rất nhỏ các cổ phiểu có thể chuyển nhượng thuộc các DN cổ phần hóa được niêm yết. Vì vậy, cần từng bước xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ sở hữu cao hơn tại các DN, lĩnh vực mà Nhà nước không cần kiểm soát. Các cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách để đưa tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong các DN cổ phần hóa về tỷ lệ an toàn nhất định, tạo thêm khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được nắm giữ các cổ phiếu. Qua đó tạo các sản phẩm có sức hút cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư thuận tiện và thúc đẩy thanh khoản thị trường.
Ngoài ra, hai Sở Giao dịch chứng khoán cần hoàn thiện thể chế và hạ tầng công nghệ theo hướng xây dựng thống nhất một Sở Giao dịch với hệ thống giao dịch hiện đại, giảm thiểu chi phí kết nối, chi phí giao dịch. Mặt khác, cần cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, điều kiện niêm yết theo hướng chia tách các bảng giao dịch với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và giám sát tuân thủ hậu niêm yết chặt chẽ để tạo đà cho việc mở rộng quy mô và tạo thanh khoản cho thị trường...
"Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ sửa đổi Thông tư công bố thông tin theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế nhằm cải thiện tính minh bạch như bắt buộc các DN quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Sửa đổi Thông tư về quản trị công ty theo hướng các chuẩn mực và thông lệ của OECD" - ông Vũ Bằng cho hay.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, ông Nguyễn Quang Bảo: Tạo cơ chế để nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Với mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trong chỉ số MSCI thì chúng ta cần chú ý đến các giải pháp tăng thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài như: Thực hiện mở room cho nhà đầu tư nước ngoài; Xây dựng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Đơn giản hoá các thủ tục mở tài khoản, giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài như: Chuẩn hoá thủ tục, quy trình mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài trên trang web của UBCKNN, trong đó chấp nhận các tài liệu bằng tiếng Anh; thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán sẽ sử dụng liên thông cho đăng ký đấu giá cổ phần về sau; yêu cầu bắt buộc các công ty niêm yết công bố báo cáo thường niên và các báo cáo tài chính định kỳ bằng tiếng Anh. Giám đốc Nghiệp vụ chứng khoán - Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Vinith Rao: Kỳ vọng vào đột phá về chính sách Trong năm 2014, thị trường ghi nhận nỗ lực từ phía UBCKNN trong việc tạo sân chơi công bằng hơn với nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc xây dựng dự thảo văn bản pháp luật yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký và các công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Ngoài ra, UBCKNN đã thể hiện quyết tâm và các kế hoạch hành động cụ thể khi làm việc với MSCI và xác định những cải tiến chính sách cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách sẽ được Chính phủ Việt Nam xem xét thông qua trong năm 2015 như: Nâng trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; Giảm mức sở hữu Nhà nước trong các DN, nhờ đó tăng tỷ lệ thả nổi trên thị trường; Đẩy mạnh niêm yết các ngân hàng thương mại là công ty đại chúng; Xây dựng thị trường vay - cho vay chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế... |