Thời gian qua, tình hình kinh tế, chính sách tỷ giá và thị trường chứng khoán Trung Quốc có nhiều diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới cũng có những dấu hiệu khó khăn, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm sút, chính sách tỷ giá trong nước và của nhiều quốc gia có điều chỉnh khiến dòng vốn quốc tế đang biến động.
Các diễn biến nêu trên có tác động tới tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thành Long về thực tế này.
- UBCKNN đánh giá như thế nào về nền kinh tế Trung Quốc và sự biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc?
+ Về tình hình kinh tế Trung Quốc, có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ năm 2012 khi nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 7,7% (so với năm 2011 đạt 9,3%) và liên tục duy trì xu thế giảm cho đến nay, đặc biệt trong năm 2015, theo dự báo có thể chỉ đạt 6,8% (quý I/2015 chỉ đạt 7%, tỷ lệ thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây).
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm. Năm 2014, họ chỉ đạt 6,4% và ước tính năm 2015 chỉ đạt 6,2%. Chỉ số sản xuất PMI liên tục ở dưới ngưỡng 50 điểm trong nhiều tháng và rơi xuống mức thấp nhất 6 năm qua ở mức 47,1 điểm trong tháng 8/2015; chỉ số giá thành sản xuất (PII) tháng 7 giảm 5,4% so với đầu năm, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và ghi nhận tháng thứ 40 giảm liên tục. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,5%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 3%…Cần lưu ý, chỉ số CPI quá thấp không hẳn là chỉ báo tốt, ngược lại, đó có thể phản ánh sự kém sôi động hơn của nền kinh tế. Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trên cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại sau vài thập kỷ tăng trưởng thậm chí tới hai con số.
Trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm thì TTCK Trung Quốc lại tăng trưởng quá nhanh. Điều này hoàn toàn khác so với giai đoạn 2006-2007, khi mà TTCK Trung Quốc cũng tăng trưởng rất mạnh, nhưng gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn từ tháng 6/2014 tới tháng 7/2014, chỉ số của TTCK Thượng Hải tăng tới gần 200%, và hoàn toàn không được hỗ trợ bởi tình hình hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế. Rõ ràng như vậy, TTCK đã không phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Và sự điều chỉnh mạnh gần như là đương nhiên sẽ phải xảy ra. Trong bối cảnh này, thì thông tin về các chính sách nhằm hạn chế dòng tiền vào TTCK đã tác động cộng hưởng, tạo sức ép tâm lý khiến TTCK đã sụt giảm mạnh, thậm chí tới 32% chỉ trong vòng một tháng như chúng ta đã thấy.
- Ông có thể giải thích những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên?
+ Thứ nhất, để kích thích tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tuy nhiên tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt trong khi các điều kiện cho vay ký quỹ đầu tư chứng khoán lại tương đối lỏng đã đẩy dòng tín dụng đi vào TTCK. Dòng vốn nóng và ngắn hạn nội địa này tại bất cứ thời điểm nào có thể rút ra khỏi TTCK. Thống kê ở một số phương tiện quốc tế cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ đầu tư vào chứng khoán quá cao, thậm chí có những thời điểm chiếm tới trên 9% mức vốn hóa của TTCK.
Thứ hai, cơ sở nhà đầu tư hạn chế, dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Thống kê cho thấy, 80%-90% giá trị giao dịch toàn thị trường được thực hiện bởi nhà đầu tư là nhỏ lẻ, có xu hướng đầu tư theo phong trào và năng lực tài chính hạn chế. Thống kê báo chí cho thấy, trong năm tháng đầu năm 2015, đã có tới 30 triệu tài khoản mới được mở, trong đó đa số là các nhà đầu tư cá nhân, gấp tới 3 lần số tài khoản được mở trong cả năm 2014. Trong số các NĐT mới, hầu hết là không có kinh nghiệm đầu tư. Trong khi đó, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức đầu tư giá trị, có tính dẫn dắt bảo đảm TTCK tăng trưởng bền vững thì lại quá thấp.
Thứ ba, đó là sự tăng trưởng quá nóng của TTCK Trung Quốc hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế như đã đề cập ở trên, TTCK tăng giá liên tục trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và TTCK đã bị định giá quá cao so với giá trị thực.Trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây thì quy mô TTCK tăng gần gấp 3 lần trong vòng 1 năm. Theo nhiều kết quả phân tích, ngay cả khi TTCK Trung Quốc sụt giảm thì giá cổ phiếu trên TTCK Trung Quốc vẫn bị coi là định giá quá cao trong nhóm 10 thị trường có quy mô vốn hóa lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy, sự điều chỉnh là tất yếu, vấn đề chỉ là thời gian khi nào xảy ra.
Thứ tư, tính phù hợp về thời điểm của các chính sách điều chỉnh TTCK. Trong khi những nền tảng nêu trên đã cảnh báo trước về sự điều chỉnh của TTCK, thì thông tin cơ quan quản lý Trung Quốc có thể đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế giao dịch ký quỹ và các hình thức đầu tư bằng vốn vay đã tạo hiệu ứng đám đông giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến cho TTCK phản ứng như đã thấy. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp với tổng mức giảm gần 4,5%, khiến nhà đầu tư càng thêm lo ngại về thực trạng kinh tế của Trung Quốc. Điều này một lần nữa, lại đặt TTCK Trung Quốc tiếp tục vào vòng xoáy biến động lớn, bất chấp các biện pháp nhằm phục hồi TTCK mà họ đang áp dụng.
- Với TTCK Việt Nam, liệu trong thời tới, thị trường có phục hồi hay không, thưa ông?
+ Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thành Long: Tình hình kinh tế Trung Quốc, biến động của TTCK Trung Quốc kèm theo việc phá giá đồng Nhân dân tệ đã tác động lên kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới, qua đó gián tiếp có tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Đây là đợt sụt giảm lớn của TTCK và chúng tôi nhận định, có phần là do yếu tố tâm lý. Chính vì vậy, từ ngày 25/8 đến ngày 28/8 sau phiên họp thường kỳ Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, cùng với các thông tin tốt về nền tảng kinh tế, thị trường đã có xu hướng hồi phục với 4 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng điểm mạnh; tính chung, chỉ số VNIndex tăng 8,11%, HNXIndex tăng 7%; thanh khoản tiếp tục cải thiện, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại.
Chúng ta có thể thấy, trong thời gian tới, những yếu tố nền tảng của nền kinh tế tiếp tục sẽ hỗ trợ TTCK. Thứ nhất, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đã trong thời gian qua đã có những hiệu quả rõ rệt, kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước hồi phục đà tăng trưởng kể từ năm 2012 đến nay, thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 đạt 5,25%, năm 2014 đạt 5,98% và 6 tháng 2015 đạt 6,28%); chỉ số CPI tiếp tục ổn định ở mức thấp, từ đó tạo nhiều dư địa hơn cho chính sách tiền tệ hướng tới tăng trưởng; chỉ số sản xuất PMI có xu thế tăng và trên mức 50 điểm liên tục từ giữa năm 2013 đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục đà tăng, trong 8 tháng đầu năm 2015 thì chỉ số IIP tăng tới 9,9% so cùng kỳ năm trước (so với các mức 4,7% năm 2012, 5,3% năm 2013, 6,3% năm 2014), khẳng định xu hướng hồi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, mức tăng chỉ số hàng tồn kho duy trì xu hướng giảm... Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện, so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu tăng 5,7%, lợi nhuận tăng 75%; ROE đạt 10% so với mức 6,6% 6 tháng năm 2014; tỷ lệ các công ty có lãi đạt gần 90%, so với khoảng 85% cùng kỳ 2014. Các chỉ tiêu này cho thấy sự lành mạnh của nền kinh tế nói chung và hoạt đọng doanh nghiệp nói chung.
Thứ hai, trong ngắn hạn, các yếu tố như giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với phản ứng linh hoạt, chủ động của chính sách tỷ giá trong thời gian vừa qua cũng sẽ tác động tích cực tới hoạt động của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt khi chi phí đầu vào sẽ tiếp tục giảm mạnh, trong khi đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lại được nâng lên, điều này hứa hẹn biên lợi nhuận lớn, từ đó tiếp tục cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ ba, về dài hạn, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các giá trị nền tảng sau: Một là, tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thể hiện qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia ký kết, đặc biệt việc tham gia vào WTO và nỗ lực ký kết TPP. Các hiệp định này sẽ mở ra cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn, cũng như giúp Việt Nam có thể trở thành một công xưởng của thế giới thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất để tạo giá trị gia tăng toàn cầu; kết hợp với việc khơi thông và thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp có chất lượng, bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hai là, nỗ lực cải cách mạnh mẽ thể chế nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi giải phóng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Ba là tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân kết hợp với thúc đẩy mạnh việc tái cấu trúc để để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế; đề cao giá trị về sự cạnh tranh và nền tảng quản trị công ty tốt, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.
Với nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ, các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đang dần phát huy hiệu quả và kỳ vọng vào các hiệp định thương mại và đầu tư đang và đã được ký kết, theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, thì TTCK Việt Nam được coi là an toàn và Việt Nam vẫn nổi lên là một nước hàng đầu trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Đặc biệt, sau khi Nghị định 60/2015 vừa ban hành. Đây được coi là một chính sách đột phá, thể hiện môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đang ngày một cải thiện, thông thoáng hơn, sự kiên định trong nỗ lực cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế. Đó còn là biểu tượng, thể hiện nền kinh tế Việt Nam đã và đang trở thành nền kinh tế mở, hội nhâp ngày càng sâu rộng với kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những biến động gần đây của thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, đặc biệt liên quan tới tình hình kinh tế Trung Quốc và biến động trên TTCK Trung Quốc, sự kiện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá cũng như khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất trong thời gian tới, thì dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi. Các diễn biến nêu trên đều tạo ra cơ hội và thách thức đan xen nhau. Mặc dù vậy, tác động đến dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ không lớn nếu chúng ta chủ động có các giải pháp linh hoạt và phù hợp, biến thách thức thành cơ hội, để giữ chân và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới Việt Nam. Chẳng hạn như vấn đề điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc, có thể có tác động đến cán cân xuất nhập khẩu nhưng trước mắt, chi phí đầu vào sẽ được tiết giảm đáng kể. Ngoài ra, sự điều chỉnh linh hoạt tỷ giá của ta trong thời gian vừa qua cũng đã giúp giải phóng được năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.Tỷ giá ổn định ở mức độ hợp lý cũng sẽ củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài mới tại Việt Nam.
Cám ơn ông!