Thị trường ASEAN: Thách thức bản lĩnh doanh nhân Việt

Thị trường ASEAN: Thách thức bản lĩnh doanh nhân Việt

Thời gian không còn dài, mọi công tác chuẩn bị cần được phối hợp thực hiện ngay bởi để những thách thức trở thành khó vượt mới giật mình đối phó, thì e quá muộn.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015, cùng với những thách thức phải cạnh tranh trên chính sân nhà, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của mình sang các nước trong khu vực.

Dấu ấn hàng Việt

Ngay khi vừa trở về từ hội chợ triển lãm thương mại - dịch vụ - du lịch Việt Nam - Myanmar 2014 diễn ra tại thành phố Yangon, Myanmar, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đã chia sẻ với ĐTTC những câu chuyện đầy ấn tượng mà ông được chứng kiến tại đây.

Ông Hưng kể câu chuyện thứ nhất: Tại hội chợ này sản phẩm kẹo dừa Bến Tre đã chiếm được tình cảm người tiêu dùng bản địa. Sau khi mua hàng ngày đầu tiên, nhiều người đã trở lại hội chợ với chiếc vỏ kẹo trên tay để tìm mua cho đúng sản phẩm của Bến Tre. Do không đủ hàng bán, doanh nghiệp chỉ có thể bán cho mỗi khách 1 gói. Cũng chính nhờ sự ưa chuộng này của người tiêu dùng, kẹo dừa Bến Tre đã nhanh chóng vào được siêu thị lớn tại Myanmar.

Câu chuyện thứ hai: Khi đoàn Việt Nam di chuyển qua một số khu phố của Yangon đã nhìn thấy một số cửa hàng bán các loại anten có trưng tấm biển màu đỏ khá lớn với dòng chữ “Made in Vietnam”, như một lời khẳng định cho chất lượng hàng hóa của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có lợi thế về xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng có điều kiện lớn mạnh hơn. Bên cạnh đó, hội nhập ngày càng nhấn mạnh đến các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầu tư, mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế. Để hoàn thành nhiệm vụ này, sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Cẩm Tú,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Cũng nói về dấu ấn hàng hóa Việt Nam tại các nước ASEAN, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), từng tự hào cho hay các sản phẩm của Thiên Long đang rất thành công tại Myanmar, còn cân Nhơn Hòa khá phổ biến ở Indonesia.

Nhìn lại năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN khoảng 18,47 tỷ USD, trong đó Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch xấp xỉ 5 tỷ USD. Tại những thị trường như Lào, Campuchia hàng hóa Việt Nam cũng được khẳng định. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia trong năm 2013 là 2,87 tỷ USD và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 7 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng đáng kể. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, tăng gần 2,5% so với cùng kỳ 2013. Singapore vẫn là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, trong 7 tháng năm 2014 xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,63 tỷ USD, tăng gần 6,9% so cùng kỳ 2013.

Riêng tại Indonesia kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc ASEAN tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vòng 2 năm tới và có cơ hội bùng nổ khi AEC ra đời vào cuối năm 2015, nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN+6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Chủ động cạnh tranh

Những con số trên đang minh chứng cho khả năng tấn công mạnh mẽ vào nhiều nước trong khu vực ASEAN của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cũng còn một số thị trường kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 2,3 tỷ USD, giảm 19,54% so với cùng kỳ năm 2013.

Một thực tế đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là khi thuế được cắt giảm theo ATIGA, các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên.

Thực tế này đôi khi làm doanh nghiệp hoang mang hơn là tính thuế, bởi tính thuế doanh nghiệp sẽ tính toán được ngay, còn các hàng rào kỹ thuật không thể biết trước được” - ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thép Việt, chia sẻ.

Để có thể đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật, theo ông Thái, một trong những giải pháp là phải nâng cao chất lượng hàng Việt. Đó không chỉ là thứ vũ khí giúp doanh nghiệp cạnh tranh tại xứ người mà ngay trên sân nhà cũng rất quan trọng. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, hàng Thái Lan đang được xem là một trong những đối thủ nặng ký của hàng hóa Việt Nam.

Phân tích thêm về việc nhiều dòng thuế về 0%, một số chuyên gia cảnh báo các doanh nghiệp để hưởng được những ưu đãi về thuế cần hết sức quan tâm đến quy tắc xuất xứ sản phẩm. Chẳng hạn, muốn được hưởng ưu đãi thuế, ít nhất 40% hàm lượng của sản phẩm phải được sản xuất trong khu vực ASEAN.

Một số khảo sát đang cho thấy tình trạng đáng lưu tâm, đó là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết rõ những lợi ích cũng như thách thức mà ASEAN mang lại. Chưa tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng là một trong những căn bệnh cố hữu của không ít doanh nghiệp Việt hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại hội thảo phổ biến về AEC và các Hiệp định thương mại tự do tổ chức mới đây tại TP Đà Nẵng, đại diện Bộ Công Thương cho rằng tham gia AEC tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ việc áp dụng các điều kiện thuận lợi hơn do thương mại tự do.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh về hàng tiêu dùng, dịch vụ, thu hút đầu tư sẽ ngày càng tăng cao, lợi thế cạnh tranh về sản xuất giá rẻ cũng sẽ giảm đi. Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực, xây dựng chính sách mới để tạo ra các lợi thế cạnh tranh. Thời gian không còn dài, mọi công tác chuẩn bị cần được phối hợp thực hiện ngay bởi để những thách thức trở thành khó vượt mới giật mình đối phó, thì e quá muộn.

>> Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức ?

Theo Đức Mạnh