Sở GDCK Tp.HCM vừa có thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu SFC của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Theo đó, 47,64 triệu cổ phiếu SFC đã niêm yết từ ngày 27/8.
Dự kiến vào ngày 7/10 tới đây, BFC sẽ chính thức giao dịch trên HoSE. Ngày chào sàn được lùi lại 1 tuần so với kế hoạch trước đó do Ban lãnh đạo Công ty có lịch Công tác đột xuất trong giai đoạn từ ngày 01/10/2015 đến ngày 06/10/2015. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cổ phiếu. Với biên độ giao dịch 20%, giá cổ phiếu sẽ giao dịch trong khoảng từ 24.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu.
Phân bón Bình Điền là công ty con do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ 65% vốn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón mà sản phẩm chính là NPK. Đối với dòng sản phẩm này, Phân bón Bình Điền nằm ở vị trí khá cao nếu so sánh với các công ty cùng sàn xuất.
Theo báo cáo ngành của CTCP Chứng khoán FPT, công suất của BFC chỉ thấp hơn CTCP Supe photphat và hóa chất Lâm Thao (LAS) tuy nhiên, thị trường chính của Công ty là khu vực miền Nam còn thị trường chính của LAS là khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của BFC lại khá thấp nếu so sánh với các doanh nghiệp phân bón cùng niêm yết như LAS, NFC, SFG. Biên lãi ròng của BFC năm 2014 đạt 3,59%, cải thiện hơn so với năm 2013 (3,2%).
(Theo Báo cáo phân tích FPT)
Thị trường chính của Công ty là các tỉnh Nam bộ và một phần xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar. Do phân bón là ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sản phẩm của Công ty sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhu cầu đối với nông sản và rủi ro khó đoán được trước như điều kiện tự nhiên như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh, mất mùa...
Về nguyên liệu đầu vào, Công ty mua từ các nhà cung cấp do Công ty không tự sản xuất. Được biết, tới 80% giá thành sản phẩm phân bón của Công ty là từ nguyên liệu đầu vào này. Công ty cho biết hơn 90% nguyên liệu đầu vào của Công ty được mua từ các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, chỉ chưa đến 10% nguyên liệu là Kali và một số nguyên liệu khác còn phải nhập từ nước ngoài.
Trong năm 2014, tổng tài sản của BFC đạt hơn 2.985 tỷ đồng, tăng 2,34% so với năm 2013. Doanh thu thuần giảm nhẹ nhưng nhờ tiết giảm chi phí lãi vay (sau khi thanh toán bớt một phần các khoản nợ vay) và chi phí bán hàng, lợi nhuận sau thuế trong năm 2014 tăng hơn 10% so với năm 2013. Các năm tới, công ty dự kiến sẽ vẫn duy trì mức cổ tức cao 20%.